Nên giải tán Mặt trận Tổ quốc

VN ‘cần đẩy nhanh cải cách thể chế’/BBC

+Cần “khoán 10” để giảm gánh nặng 11 triệu người ăn lương nhà nước!

+Mặt trận/

Nên giải tán Mặt trận Tổ quốc

“Giải tán tổ chức MT, cắt bỏ mọi bao cấp của nhà nước cho các đoàn thể thành viên của MT sẽ tiết kiệm cho ngân sách một khoản lớn. Bỏ đi những báo cáo, những tuyên truyền của MT và của các đoàn thể thành viên sẽ chữa được phần nào căn bệnh dối trá đang tràn lan. Dẹp bỏ một số công việc không có hiệu quả của MT sẽ góp phần làm tăng năng suất xã hội”.

____

BÀN VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC

Nguyễn Đình Cống

15-6-2016

Từ khi nghỉ hưu, ngoài các việc chuyên môn và khoa học, tôi tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, làm tổ trưởng dân phố, làm cán bộ Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) của phường Kim Giang và quận Thanh Xuân. Tôi dự định sẽ tích cực hoạt động Mặt trận và ứng cử vào Ủy ban Mặt trận Trung ương. Tôi đã bỏ công sức để tìm hiểu về Mặt trận và hoạt động thực tế. Nhưng càng tìm hiểu, càng hoạt động tôi càng thấy rõ là công việc này hoàn toàn không phù hợp. Vì thế tôi đã sớm từ bỏ để chuyển sang làm việc khác. Không những thế, tôi đề xuất ý kiến phản biện như sau: “Nên giải tán Mặt trận Tổ quốc vì tổ chức và hoạt động của nó mang lại cho dân tộc lợi ít, tốn kém nhiều, hiệu quả âm”.

1-SỰ HÌNH THÀNH VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA MTTQ

MTTQ được hình thành trên cơ sở kế thừa, thống nhất các tổ chức Mặt trận từ năm 1930 đến 1977. Mặt trận là một tổ chức liên minh chính trị – xã hội, được ĐCS lập ra, dùng để vận động, tập hợp quần chúng trong hoạt động cách mạng. Với ý nghĩa mặt trận là một tổ chức tôi chỉ mới tìm thấy trên Google vài nơi như MT bình dân Tây Ban Nha, MT bình dân Pháp (1936-39), MT thống nhất chống Nhật tại Trung quốc (giữa ĐCS và Quốc Dân Đảng), gần đây Thủ tướng Nhật vận động G7 lập MT chống TQ gây hấn trên Biển Đông. Tôi chưa tìm thấy kiểu MT là tổ chức liên minh chính trị tại các nước khác (ở Pháp có đảng lấy tên là Đảng Mặt trận dân tộc chứ không có Mặt trận). Như vậy phải chăng hiện nay Mặt Trận (với ý nghĩa là một tổ chức liên minh chính trị xã hội) chỉ có ở Việt nam, là một sản phẩm đặc biệt của ĐCS VN.

Có nhiều hoạt động, nhiều tài liệu liên quan đến MTTQ. Điều 9 Hiến pháp năm 2013 ghi MTTQ là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Văn bản quan trọng là Điều lệ MTTQ VN (ban hành năm 2014- khóa 8) và Luật MTTQ VN, Luật số 75/2015 QH 13. Theo đó thì thành viên của MTTQ VN bao gồm các tổ chức và cá nhân, trong đó ĐCS VN vừa là thành viên và lãnh đạo. Hiện nay MTTQ có 44 tổ chức thành viên, với các tổ chức hàng đầu như: Tổng Liên đoàn LĐ; Hội Nông dân; Đoàn Thanh niên CS; Hội Phụ nữ; Hội Cựu chiến binh; Quân đội nhân dân; Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật; Liên hiệp các hội văn học- nghệ thuật. Ngoài ra còn 35 các Hội và tổ chức khác (có Quân đội nhưng không thấy Công an).

Theo điều 3 của Luật đã dẫn, MTTQ có một số quyền và trách nhiệm, tóm tắt như sau:

1- Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

2- Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghĩa vụ công dân.

3- Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân

4- Tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước.

5- Thực hiện giám sát và phản biện xã hội.

6- Tập hợp ý kiến cử tri để phản ảnh với Đảng và Nhà nước.

7- Thực hiện đối ngoại nhân dân.

Trong nhiệm vụ 4 có lẽ quan trọng nhất là MT lo chuyện hiệp thương về danh sách đề cử để bầu Quốc hội và HĐND các cấp.

Tài chính để MTTQ hoạt động chủ yếu do ngân sách nhà nước cung cấp.

2- NHẬN XÉT VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA MẶT TRẬN CÁC CẤP

Ngay từ đầu tổ chức MT là bộ phận ngoại biên, nối dài của đảng. Đảng dùng MT để vận động và khống chế quần chúng. Như vậy MT quả thật đã có tác dụng lớn giúp cho hoạt động CM của đảng. Trong thời kỳ mới tiếp quản các thành phố năm 1954, MT có vai trò tích cực trong việc đoàn kết các trí thức và công thương gia trong vùng mới giải phóng. Trong những năm gần đây MT là nơi tiếp đón tập thể hoặc cá nhân kiều bào các nơi về nước. Khi đảng đã nắm trọn chính quyền, đáng lẽ vai trò của MT giảm xuống thì ngược lại việc làm của MT lại tăng lên, nhưng rất nhiều việc trở nên kém hiệu quả.

Tôi đã gặp, trao đổi với một số cán bộ chủ chốt của UBMT, được nghe lời than thở là vất vả quá, công việc nhiều quá, làm không hết, ít có thì giờ nghỉ ngơi, giải trí. Tôi mới bỏ công tìm hiểu thì thấy phần lớn công việc tiêu tốn nhiều thời gian và công sức của cán bộ MT liên quan đến phát động, phổ biến, điều tra, tổng kết, báo cáo, giấy tờ… nhiều việc chẳng có tác dụng gì, nếu không làm còn tốt hơn. Khi làm lãnh đạo không bao giờ tôi bày ra những việc như thế, còn làm thừa hành, gặp những việc như vậy tôi tìm cách làm rất nhanh cho qua chuyện. Nhân đây xin kể sơ chuyện tôi làm tổ trưởng dân phố trong nhiều năm. Trong lúc các ông/bà tổ trưởng khác kêu than là quá vất vả, quá nhiều việc, tôi lại thấy mọi công việc tổ dân phố chỉ chiếm mất của tôi chưa đến một phần mười thời gian. Thế mà năm nào tổ của tôi cũng được xếp loại xuất sắc, tôi đi thi tổ trưởng dân phố giỏi được giải nhất của Quận, giảỉ nhì thành phố. Tôi chỉ thấy tiếc thời gian là khi bị bắt buộc phải dự những cuộc họp chỉ vì hình thức.

Hoạt động của MT thể hiện rõ trong báo cáo tại các kỳ đại hội. Nội dung của báo cáo các kỳ, các cấp thường giống nhau, bao gồm các điều chủ yếu: “Thành tích là toàn diện và tốt đẹp, tuy vậy còn tồn tại một số thiếu sót. Có thành tích là nhờ sự lãnh đạo, còn thiếu sót là tại nhân dân giác ngộ chưa cao v.v…. Trong thời gian tới phải tăng cường, nỗ lực làm việc này việc nọ, cố gắng khắc phục chuyện ấy chuyện kia”. Tôi thấy báo cáo của MT có trên 80% giống với báo cáo của Đảng. Cứ mỗi kỳ đại hội các UBMT rất vất vả chuẩn bị, thảo luận, thông qua báo cáo, tốn khá nhiều giấy mực để in ấn, nhưng rồi phần lớn các báo cáo đó chỉ trở thành mặt hàng cung cấp cho đồng nát.

Xét các quyền và trách nhiệm 1; 2; 3 thấy rằng trong các báo cáo đều có kể công, nêu thành tích nhưng thực chất chẳng có gì đáng kể. Đất nước đã thống nhất về lãnh thổ trên 40 năm nhưng chưa có sự hòa giải dân tộc thực sự. Nhân quyền và dân quyền bị vi phạm ở nhiều nơi, dân oan có mặt nhiều nơi, thế mà chẳng thấy MT đại diện và bảo vệ được gì.

Trong việc bầu cử, thu thập ý kiến cử tri người ta cũng chỉ thấy MT là nơi thực hiện các ý kiến của cấp ủy đảng tương ứng, chỉ là làm thay để tránh tiếng “đảng cử dân bầu”.

Trong việc giám sát, chưa thấy MT có được giám sát gì tương xứng với vai trò. Riêng về phản biện thì sau vụ luật sư Nguyễn Mạnh Tường (vì đọc bài phát biểu ở hội nghị UB TƯ MT năm 1956 mà đang là một trí thức bậc cao bị dìm xuống tận đáy xã hội ) thì không còn ai dám mở mồm kiểu như vậy.

3- ĐỀ NGHỊ GIẢI TÁN TỔ CHỨC MẶT TRẬN

Tôi nhiều năm suy nghĩ, giả thử hiện nay không có tổ chức MT thì các hoạt động chính trị – xã hội thay đổi như thế nào, tốt lên hay xấu đi. Tôi đoán chắc là sẽ tốt lên. Trong hệ thống chính trị của Việt Nam có tổ chức Hội đồng nhân dân, xét ra quan trọng hơn MT, thế mà đã có ý kiến đề nghị giải tán HĐND ở cấp xã, cấp huyện. Đã có làm thí điểm nhưng chưa thấy công bổ kết quả. Riêng MTTQ, tôi đề nghị giải tán toàn bộ, từ trung ương cho đến cơ sở thôn xóm, không cần làm thí điểm. Vấn đề quan trọng là sắp xếp những người đang ăn lương trong hệ thống MT như thế nào để họ có thể sinh sống bằng hoạt động chân chính và phát huy năng lực.

Sau khi giải tán, một số công việc MT làm trước đây, nếu quả thực còn cần thiết thì chuyển cho các bộ phận khác. Thí dụ hiệp thương và danh sách ứng cử giao cho Ban bầu cử và cơ quan hành pháp, vận động giúp người nghèo giao cho Hội Chữ thập đỏ, xây dựng đời sống văn hóa là việc của chính quyền. Giám sát công việc nhà nước thì đã có Quốc hội và HĐND làm tốt hơn, việc phản biện do Liên hiệp các Hội làm hiệu quả hơn. Tập hợp ý kiến cử tri do các tổ đại biểu HĐND, các đại biểu QH. Đối ngoại nhân dân giao cho các tổ chức dân sự.

Giải tán tổ chức MT, cắt bỏ mọi bao cấp của nhà nước cho các đoàn thể thành viên của MT sẽ tiết kiệm cho ngân sách một khoản lớn. Bỏ đi những báo cáo, những tuyên truyền của MT và của các đoàn thể thành viên sẽ chữa được phần nào căn bệnh dối trá đang tràn lan. Dẹp bỏ một số công việc không có hiệu quả của MT sẽ góp phần làm tăng năng suất xã hội.

Nhiều nước không có tổ chức MT mà người ta vẫn quản lý tốt xã hội, vẫn phát triển tốt mọi mặt. Việt Nam có hoạt động mạnh mẽ của MT mà mọi mặt càng ngày càng tụt hậu. Tôi không quy kết nguyên nhân tụt hậu là do MT, chỉ nhận xét rằng hoạt động MT ít có tác dụng làm cho xã hội tốt lên mà lại tốn nhiều công sức, tiền của. Thực chất của MT có lẽ là để đảng nắm chặt và điều khiển quần chúng. Hoạt động của MT có năng suất và hiệu quả quá thấp, nói theo ngôn ngữ kinh doanh là bị lỗ nặng, là đang dẫn tới bị phá sản.

Tôi biết nhiều người vì thói quen mà vẫn ca ngợi MT, cho rằng không thể thiếu MT. Đề nghị những người đó hãy đặt câu hỏi và tự tìm câu trả lời: Các nước không có MT như VN, họ phát triển được là nhờ vào cái gì, nếu VN bỏ MT đời sống họ có ảnh hưởng gì không.

Việc giải tán MT liên quan đến sửa đổi Hiến pháp, chưa thể làm ngay. Đặt ra vấn đề để những người có quan tâm suy nghĩ và tìm biện pháp.

Hiện nay đang có ý kiến đề xuất lập “Mặt trận công dân mới” để đấu tranh cho dân chủ. Nếu xem Mặt trận như vậy là một tập hợp các hội quần chúng, các tổ chức dân sự thì công dân có quyền, chỉ là các tổ chức như vậy, mặt trận như vậy phải tự túc kinh phí hoạt động chứ không dùng tiền thuế của dân, không đoạt quyền của dân.

____

Mời xem thêm: Các đoàn thể quần chúng “ngốn” hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm (VietTimes).

8757. Nên giải tán Mặt trận Tổ quốc

 

VN ‘cần đẩy nhanh cải cách thể chế’

BBC

15-6-2016

Ảnh: AFP

Ảnh: AFP

Tình trạng tụt hậu đang ngày càng nghiêm trọng, hiện là mối đe dọa to lớn nhất cho đất nước và kéo theo “các nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng Cộng sản Việt Nam phát triển theo chiều hướng xấu nhanh hơn”, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp nói.

Cuộc phỏng vấn mới đây của VietTimes với ông Lê Doãn Hợp nhắc lại “bốn nguy cơ” từng được nêu trong Hội nghị giữa kỳ Đại hội Đảng VII hồi 1994, gồm tình trạng tụt hậu, chệch hướng, tham nhũng và diễn biến hòa bình.

Việt Nam, theo đánh giá của ông Hợp, đang tụt hậu ở nhiều lĩnh vực.

Ông Hợp nêu các số liệu chứng minh rằng các thành tích của Việt Nam, từ thu nhập bình quân đầu người cho tới giáo dục, y tế, đều ở mức dưới trung bình, trong lúc chỉ số tham nhũng thì “thuộc nhóm một phần tư quốc gia cuối bảng”.

‘Cần đẩy nhanh cải cách thể chế’

Để đất nước không rơi vào tình trạng tụt hậu thì “điều quan trọng nhất là phải đẩy nhanh cải cách thể chế”, VietTimes dẫn lời ông Hợp.

Về nguy cơ “chệch hướng”, ông Hợp nói Việt Nam chỉ có ba lựa chọn, gồm rẽ theo chủ nghĩa phong kiến, hướng sang tư bản chủ nghĩa, hoặc chọn “chủ nghĩa tư bản thân hữu”.

Việt Nam, với xu thế phát triển hiện thời, sẽ không thể quay trở về thời kinh tế phong kiến trước kia, do đó đây không phải là một mối lo thực sự.

Tuy nhiên, Việt Nam rất dễ mắc phải căn bệnh phong kiến trong việc tuyển dụng nhân sự “cha truyền con nối” và “anh xuống em lên”, ông Hợp nhận xét.

H1Ảnh: AFP

Ông cũng đánh giá rằng không nên coi việc hướng sang chủ nghĩa tư bản là một nguy cơ “chệch hướng”, bởi đó chính là mô hình lý tưởng, là “giấc mơ của nhiều nước xã hội chủ nghĩa đương thời”.

Tuy nhiên, theo ông Hợp, “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, với đặc trưng “có sự cấu kết, thâm nhập lẫn nhau giữa nhóm đặc quyền kinh tế và nhóm đặc quyền chính trị” nhằm mục đích “cùng nhau trấn lột “mềm”… thâu tóm tài chính, của cải” để hướng tới “độc quyền kinh tế kết hợp với độc quyền chính trị” sẽ “đẩy đất nước vào con đường nguy khốn”.

Do vậy, ông Hợp cho rằng điều cần làm ngay vào lúc này là phải “không để Đảng bị nhóm đặc quyền nào thao túng” đối phó với khả năng hình thành các nhóm lợi ích tạo thành chủ nghĩa tư bản thân hữu.

Đối với nguy cơ tham nhũng, vị cựu bộ trưởng thông tin và truyền thông cho rằng cần có cơ chế để người dân giám sát các cơ quan, tổ chức nhà nước, và phải quy trách nhiệm cá nhân đối với các lãnh đạo, bên cạnh các biện pháp khác như có cơ chế chính sách tuyển dụng, lương bổng phù hợp, chính sách kỷ luật nghiêm minh.

‘Diễn biến hòa bình’

H1Ảnh: Phố Bolsa TV

Về “diễn biến hòa bình”, ông Hợp giải thích rằng về bản chất thì đây chính là “diễn biến về niềm tin của dân với Đảng”.

Có lẽ đây là lần đầu tiên trên kênh chính thống một cựu quan chức có cách diễn giải này.

Ông Hợp nói: “Khi mà người dân giảm sút lòng tin vào Đảng mà Đảng lại không chịu đổi mới để vì dân, thì bản thân sự trì trệ đó sẽ đẻ ra mâu thuẫn.”

“Cách mạng chỉ nổ ra khi quần chúng nhân dân không chịu được sự bảo thủ, trì trệ của lãnh đạo đương thời, khi cấp trên không xứng đáng, cấp dưới không thể chịu đựng thêm được nữa. Đấy chính là điều mà người ta hay gọi là diễn biến hòa bình,” VietTimes trích lời ông Lê Doãn Hợp.

Trong lúc đó, cách lấy lại niềm tin của nhân dân, theo ông Hợp, vẫn là việc Đảng phải cải cách thể chế, được cụ thể hóa qua việc đổi mới cách tuyển dụng cán bộ và có cơ chế giám sát quyền lực tối cao.

Ông Hợp cũng nhắc tới tình trạng bè phái, cục bộ trong Đảng, với việc viện dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đó là “căn bệnh “cánh hẩu” trong Đảng”.

Ông nói chừng nào tình trạng này chưa được xử lý, sự tồn vong của Đảng Cộng sản sẽ vẫn còn bị đe dọa.

Việc loại bỏ tình trạng bè phái trong Đảng cũng chính là một phần trong công tác “đổi mới phương thức lãnh đạo” cần làm, theo ông Hợp.

Ông Lê Doãn Hợp từng làm Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông trong thời gian từ tháng 8/2007 đến 8/2011.

Hiện ông đang giữ chức Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam.

Leave a comment