Về những xác chết biết đi & Chuyện Đội Cấn với hậu sinh

Chuyện Đội Cấn với hậu sinh

Thời Việt Nam thuộc Pháp, xứ sở và dân tộc này rên xiết, lầm than dưới ách cai trị của “mẫu quốc”. Bây giờ có khác gì?”

“Những kẻ muốn đời đời làm “phụ mẫu” của dân tộc này cố gắng duy trì ảo vọng của họ bằng cách biến bạn và những người như bạn trở thành mù quáng. Khi các bạn lắc đầu, bất tuân, ảo vọng sẽ tan biến.

Về những xác chết biết đi

Blog Ba Cừu

Nguyễn Đắc Kiên

“Xin hãy nghe lại lời Patrick Henry, lãnh tụ Cách mạng Mỹ, phát biểu ngày 23/3/1775: “Liệu có phải cuộc sống quá đáng yêu và hòa bình quá ngọt ngào tới mức phải mua bằng xiềng xích và nô lệ không? Ơn chúa tối cao, hãy đừng bao giờ như vậy. Tôi không biết những người khác sẽ chọn con đường nào. Nhưng với tôi, hãy cho tôi tự do hay là chết”.

04-04-2013

Tôi không thấy mức án VKS đưa ra là nhẹ, dù ông Quý đã vừa khóc vừa nói, mong tòa giữ nguyên mức án VKS đã đề nghị áp dụng cho anh trai – ông Vươn, 5-6 năm tù. Nhưng tôi cũng sẽ không nhìn vào mắt các vị quan tòa để tìm kiếm tia hy vọng mong manh cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn, được xử trắng án.

Những người chịu trách nhiệm phán xử trong vụ án Nọc Nạn năm xưa là những con người tự do. Ngoài mệnh lệnh chính trị của chính quyền thực dân, họ còn phải chịu sự phán xét của tòa án, một tòa án cấp cao hơn, cấp tối cao trong mỗi con người, đó là tòa án lương tâm. Đây chính là khác biệt căn bản của họ với những người đang chịu trách nhiệm phán xử vụ án Tiên Lãng, những nô lệ khoác bộ áo quan tòa.

Khi người ta không được tự do trong hành xử của mình thì họ cũng thấy mình không phải chịu trách nhiệm với những phán quyết mà họ đưa ra. Tất nhiên khi đó họ cũng không phải đối mặt với tòa án lương tâm của chính họ. Giả sử nếu có lúc nào đó họ phải đối mặt thì họ cũng tìm ngay ra một kẻ để đổ lỗi, đó là cấp trên, là lãnh đạo, là hệ thống… Rồi họ tự kết luận, họ vô tội. Họ cũng chỉ là nạn nhân.

Điều tồi tệ hơn, trong xã hội Việt Nam ngày nay, những ông quan tòa của chúng ta không phải là những kẻ hiếm hoi, lạc loài, trái lại, họ dễ dàng tìm thấy những kẻ đồng lõa với mình ở khắp mọi nơi. Đó là ông bác sỹ, anh công an, chú nhà báo, ông bạn kỹ sư, cô hàng nước gần nhà, anh xe ôm đầu ngõ… họ tìm thấy một tình trạng nô lệ, một sự sự vô trách nhiệm, vô trách nhiệm như một lẽ tất yếu, nô lệ như một lẽ tất yếu, được phổ biến khắp nơi, len lỏi đến từng ngõ ngách của cuộc sống.

Trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt, nghệ sỹ Kim Chi nhận định rằng: “Nếu người ta thả bổng cho Đoàn Văn Vươn, cho gia đình anh ta, thì điều đó sẽ thu phục được lòng dân. Còn nếu mà lấy quyền, lấy luật rừng để mà trừng trị một người lương thiện như thế, thì nhất định là tức nước thì phải vỡ bờ thôi”.

Tôi có thể phần nào đồng ý với nghệ sỹ Kim Chi ở vế thứ nhất, còn ở vế thứ hai thì chắc chắn không. Dù kết quả vụ án Đoàn Văn Vươn thế nào thì cũng không dễ gì có chuyện “tức nước vỡ bờ” trong hoàn cảnh hiện nay. Đa số người dân chỉ “tức nước vỡ bờ” khi những quyền lợi thiết thân của họ bị xâm phạm, như đầm tôm với gia đình ông Vươn, còn ngược lại, sự cảm thông với hoàn cảnh bất hạnh, hay bất bình vì oan trái cùng lắm chỉ gây nên xót xa – căm hận ở trong lòng mà thôi. Một số ít sẽ tỏ thái độ, còn đa phần sẽ làm ngơ. Và cũng như các vị quan tòa trong vụ án Đoàn Văn Vươn, những người làm ngơ sẽ có đủ lý lẽ để biện hộ cho mình.

Đó chính là điều tồi tệ nhất mà một hệ thống toàn trị có thể tạo ra. Những lầm lỗi, thậm chí là tội ác về kinh tế dễ gây bất bình, phẫn nộ cho công luận, nhưng suy cho cùng nó lại là những tội lỗi để lại ít hậu quả và dễ khắc phục. Còn những tội ác làm phá hủy tận căn để lương tri con người thì khó nhận biết hơn, gây phẫn nộ ít hơn, lại khó cứu vãn và để lại hậu quả ghê gớm hơn gấp nhiều lần. Tình trạng nô lệ, sự vô trách nhiệm được gieo rắc phổ biến nơi con người trong các chế độ toàn trị là một trong những tội ác như thế. Nó như một thứ thuốc độc ma mãnh, từng lúc từng lúc len lỏi vào tận xương cốt mỗi con người phá hủy tận gốc dễ, căn để, bòn rút toàn bộ sức mạnh sáng tạo, động lực phát triển của xã hội.

Không có chuyện “tức nước vỡ bờ”, nhưng nếu vụ án Đoàn Văn Vươn kết thúc bằng một bản án khắc nghiệt, một sự hủy hoại trong mỗi con người, niềm tin vào công lý, vào đạo đức xã hội chắc chắn sẽ gia tăng. Khi niềm tin vào công lý, vào đạo đức xã hội bị xói mòn, con người sẽ bị đẩy sâu hơn vào các lợi ích thiết thân. Họ sẽ tìm mọi cách để tự bảo vệ mình, gia đình mình, lợi ích riêng tư của mình và không ngần ngại nếu có thể, xâm phạm vào lợi ích người khác, lợi ích xã hội. Đồng thời cũng chính những con người này, họ cũng sẽ sẵn sàng kháng cự lại bằng “luật rừng” nếu có thể với mọi sự xâm hại đến lợi ích bản thân và gia đình họ.

Những người có trách nhiệm với đất nước cần nghĩ đến những hệ quả sâu xa này. Étienne Vacherot, triết gia, chính trị gia Pháp thế kỷ 19 đã viết: “Chế độ chuyên quyền là trường học tồi tệ nhất cho nền dân chủ”. Tôi đồng ý với nhận định này. Người ta hay lấy những cuộc biểu tình, những bất ổn chính trị ở Thái Lan để chỉ trích chế độ dân chủ. Nhưng tôi thì lại thấy rằng đó là những sự “tập dượt dân chủ” không tránh khỏi và tin rằng không lâu nữa, người Thái sẽ có một chế độ dân chủ đủ trưởng thành để đưa đất nước họ vào một quỹ đạo phát triển bền vững. Sau khi viết những lời trên trong cuốn La Démocratie, năm 1859, tức là 70 năm sau cách mạng Pháp 1789, Étienne Vacherot đã bị bắt vào tù, với mức án 1 năm (sau được giảm xuống còn 3 tháng). Rõ ràng người Pháp đã chẳng được cho không nền dân chủ tự do của họ có bây giờ.

Thật nực cười khi muốn đất nước có dân chủ tự do mà lúc nào cũng canh cánh một nỗi lo gọi là “mất ổn định”. Với cá nhân mỗi con người, tôi không thấy những người lúc nào cũng chỉ chăm chăm một cuộc sống bình yên có thể làm được điều gì đó có ý nghĩa trong cuộc đời của họ.

Xin hãy nghe lại lời Patrick Henry, lãnh tụ Cách mạng Mỹ, phát biểu ngày 23/3/1775: “Liệu có phải cuộc sống quá đáng yêu và hòa bình quá ngọt ngào tới mức phải mua bằng xiềng xích và nô lệ không? Ơn chúa tối cao, hãy đừng bao giờ như vậy. Tôi không biết những người khác sẽ chọn con đường nào. Nhưng với tôi, hãy cho tôi tự do hay là chết”.

 http://anhbasam04.blogspot.com/2013/04/ve-nhung-xac-chet-biet-i.html

Chuyện Đội Cấn với hậu sinh

Đồng Phụng Việt

04-04-2013

Một số tình tiết trong vụ xử Đoàn Văn Vươn và thân nhân, bị cáo buộc “giết người, chống người thi hành công vụ” khiến mình chợt nghĩ tới Đội Cấn – một nhân vật lịch sử sống vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20…

1.

Vài tài liệu kể rằng, Đội Cấn tên thật là Trịnh Văn Đạt, sinh năm 1881 ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Do nhà nghèo, ông đăng lính khố xanh (một loại địa phương quân do chính quyền thuộc địa tuyển mộ, trả lương để bảo vệ quyền lợi của Pháp tại Việt Nam), thay cho anh trai tên là Trịnh Văn Cấn và sau này, vì được thăng thưởng, trở thành “đội” (cách gọi trung sĩ theo kiểu ngày xưa), nên ông được biết đến dưới danh xưng Đội Cấn.

Tuy chỉ huy một đơn vị lính khố xanh đóng ở Thái Nguyên nhưng Đội Cấn không cam tâm làm tay sai cho thực dân. Ngưỡng mộ Hoàng Hoa Thám (người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Yên Thế trong giai đoạn từ 1885–1913), ông bàn với các bạn đồng ngũ như Đội Trường, Đội Giá, Cai (cách gọi hạ sĩ theo kiểu ngày xưa) Xuyên, Cai Mãnh,… nổi dậy chống Pháp.

Đội Cấn đã bí mật liên lạc với Lương Ngọc Quyến (một thành viên của Việt Nam Quang Phục Hội, bị Pháp bắt, kết án chung thân và biệt giam tại nhà lao Thái Nguyên) để lập kế hoạch cướp chính quyền.

Rạng sáng ngày 31 tháng 8 năm 1917, những hạ sĩ quan, binh sĩ khố xanh đã giết viên chỉ huy người Pháp, phá nhà tù Thái Nguyên, giải phóng khoảng 200 tù nhân, kêu gọi dân chúng Thái Nguyên đứng dậy “rửa nhục nước, trả thù nhà”.

Có khoảng 600 người, gồm lính khố xanh, tù nhân và dân chúng theo “Nam binh phục quốc” do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến chỉ huy. Họ làm chủ Thái Nguyên trong năm ngày. Sau đó, Pháp điều khỏang 2.000 quân đến Thái Nguyên đàn áp cuộc khởi nghĩa. Lương Ngọc Quyến tử trận. “Nam binh phục quốc” phải rút về vùng rừng núi Tam Đảo. Họ cầm cự trong 5 tháng. Tháng 11 năm 1918, trong một trận chiến với quân Pháp, Đội Cấn bị thương. Ông tự sát để không rơi vào tay quân Pháp…

Tuy là lính trong một đội quân được thành lập chỉ nhằm bảo vệ lợi ích cho “mẫu quốc” (Pháp) nhưng Đội Cấn không nhắm mắt bảo vệ lợi ích của “mẫu quốc” một cách mù quáng. Dẫu biết rằng, chống “mẫu quốc” cũng như “trứng chọi đá”, ông vẫn đứng dậy để giành lại những quyền lợi chính đáng mà “mẫu quốc” đã chiếm đoạt của người Việt. Vì vậy, với người Việt, Đội Cấn mãi mãi là một anh hùng!

2.

Hôm 3 tháng 4 năm 2013 – ngày thứ hai của phiên xử Đoàn Văn Vươn và thân nhân “giết người, chống người thi hành công vụ”, diễn ra ở Hải Phòng, Hội đồng Xét xử đã thẩm vấn các “bị hại”.

Tờ Tiền Phong tường thuật, có bảy cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội tham gia vụ cưỡng chế thu hồi đất của gia đình anh Đoàn Văn Vươn hồi đầu năm ngoái, bị trúng đạn hoa cải, được xác định là “bị hại” (1).

Dù kết quả giám định xác định, sức lao động của các “bị hại” đều giảm (thấp nhất 1%, cao nhất 43%) nhưng cả bảy “bị hại” đều từ chối đòi “bồi thường thiệt hại”. Thậm chí, hai “bị hại” Vũ Anh Tuấn, Đỗ Xuân Trường còn đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, bởi vi phạm pháp luật của các bị cáo “một phần là do bức xúc”.

Mình tin, hơn một năm trước – ngày 5 tháng 1 năm 2012 – khi nhận lệnh tham gia vụ cưỡng chế thu hồi đất của gia đình Đoàn Văn Vươn, không ai trong số bảy “bị hại” tin rằng họ sẽ vừa bị thương, giảm sức lao động, vừa bị hàng triệu người nguyền rủa, bởi đã tham gia thực hiện một mệnh lệnh vừa sai, vừa bất nhân, bất nghĩa.

Mình cũng tin rằng, không ai trong số họ, kể cả “bị hại” Lê Văn Mải – Thượng tá, Trưởng Công an huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, biết một cách tường tận về cái giá mà gia đình Đoàn Văn Vươn phải trả cho việc khẩn hoang, cũng như những âm mưu bẩn thỉu, đê tiện nhằm cưỡng đoạt cho bằng hết các quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của đại gia đình ấy…

Và tất nhiên, không ai trong số họ, kể cả “bị hại” Lê Văn Mải – Thượng tá, Trưởng Công an huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, biết rằng, khi vụ cưỡng chế tàn bạo, bất chấp tình – lý ấy làm cho hàng triệu người nổi giận, thượng cấp của họ sẽ bán sự tuân phục thượng lệnh của họ rẻ hơn bèo.

Lúc công chúng còn đang bàng hoàng vì sự quyết liệt của gia đình bị cưỡng chế (dựng nhiều hàng rào chắn đường; rải rơm rạ dự định đốt; dùng kíp điện kích cho các bình ga nổ; dùng súng hoa cải bắn vào đoàn cưỡng chế,…), chưa hiểu tại sao Đoàn Văn Vươn cũng như thân nhân của anh lại làm như vậy thì thượng cấp của họ chủ động tiếp cận báo giới, nhận lời trả lời tất cả các đề nghị phỏng vấn, tự tô vẽ y như một người hùng, đã đứng ra chỉ huy “hiệp đồng tác chiến”, thực hiện những chiến thuật “chưa bao giờ có trong giáo án”, “có thể viết thành sách”. Thậm chí y còn tuyên bố đã kịp “nói với các đồng chí Thường trực rằng, đây không phải kế hoạch tập trận nhưng đúng là phải rút kinh nghiệm vì nó rất là hay, có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng, rất là đẹp, đâm ra không có gì phải phàn nàn”.

Cũng y, khi sự thật bị phanh phui, dư luận nguyền rủa đã “co đầu, rút cổ”, đẩy trách nhiệm, buộc thuộc cấp gánh.

Sau khi “thượng lệnh” chính thức được “thượng tầng” xác định là sai, một trong những “nỗ lực sửa sai” mà Đỗ Hữu Ca – kẻ từng nhảy ra nhận vai trò chỉ huy, từng toan đăng ký làm “người hùng” của một “trận đánh” tưởng là có thể khai rằng “rất đẹp, rất hay” – mới làm hồi đầu năm nay, là tổ chức kiểm điểm, cách chức Trưởng Công an huyện Tiên Lãng của “bị hại” Lê Văn Mải, rút về Công an thành phố Hải Phòng làm… Phó Phòng Phong trào (2).

Mình tin, sự thật và diễn biến vụ Đoàn Văn Vươn không chỉ khiến bảy “bị hại” và 50 cán bộ, đảng viên bị kiểm điểm, kỷ luật (3) cảm nhận tường tận hơn về “thân phận” của họ khi là thành viên trong một hệ thống như ở Hải Phòng, là thuộc cấp cho những thượng cấp kiểu Đỗ Hữu Ca, Nguyễn Văn Thành – Bí thư Thành ủy Hải Phòng, kẻ phát minh “gu gồ chấm Tiên Lãng”!

3.

Hệ thống ở Hải Phòng chỉ là một phần của hệ thống đang hiện hữu trên xứ sở này. Hệ thống đó biến các thuộc cấp của nó thành những kẻ thủ ác, lắm khi chính họ cũng không hình dung được việc thi hành thượng lệnh, đồng nghĩa với gieo rắc khổ đau cho đồng bào của mình. Rồi chính họ và thân nhân của họ lại trở thành nạn nhân của những thuộc cấp “thi hành” các loại “công vụ” khác.

Bạn có thể mẫn cán vì cơm áo, mưu cầu thăng tiến để đạt đến sự sung túc cho gia đình, sự vững vàng cho tương lai con cái nhưng lấy gì đảm bảo bạn sẽ đạt được những điều bạn muốn, hoặc giữ được những thứ bạn có khi thượng cấp và thượng tầng như vậy? Chưa kể, bạn và thân nhân của bạn làm sao có thể tránh, việc đã hoặc sẽ trở thành nạn nhân khi xã hội đầy dẫy bất ổn do chính hệ thống tạo ra (vật giá gia tăng, sinh hoạt hỗn loạn, giáo dục – y tế – đạo đức đồng loạt xuống cấp thê thảm).

Từ lâu, lợi ích của hệ thống không còn tương đồng với lợi ích của xã hội. Xét cho đến cùng, lợi ích của hệ thống cũng chẳng phải lợi ích lâu dài của bạn. Bạn tưởng thế thôi chứ nó chỉ đem lại lợi thực cho một nhóm không đông và không có bạn trong đó. Bạn chỉ hưởng sái và khi người ta không cần xài bạn nữa thì sái cũng chẳng còn, bất kể bạn đang ở vị trí nào và từng được tin dùng ra sao. Những gì xảy ra với gia đình Dương Chí Dũng – cựu Cục trưởng Cục Hàng hải là ví dụ gần nhất (4). Chính bạn có thể tìm thêm hàng trăm ví dụ tương tự quanh bạn.

Gần đây, nhóm không đông nhưng muốn đời đời làm “phụ mẫu” của dân tộc này liên tục bảo rằng bạn thuộc về nó, phải bảo vệ nó, nó còn, bạn mới còn. Tại sao? Họ sợ! Bản chất của họ đã bị bóc trần!

Thời Việt Nam thuộc Pháp, xứ sở và dân tộc này rên xiết, lầm than dưới ách cai trị của “mẫu quốc”. Bây giờ có khác gì?

Ngày xưa, người Việt gọi những kẻ cùng giống dòng với mình nhưng lại tận trung, tận lực với “mẫu quốc” là tay sai. Lúc này, ngày một nhiều những người là đồng bào của bạn, bắt đầu công khai gọi những thuộc cấp trong hệ thống muốn đời đời làm “phụ mẫu” của dân tộc này y hệt như vậy.

Mẫn cán tới mức nào thì tay sai vẫn chỉ là tay sai. Còn bạn, bạn có muốn phẩm giá của chính bạn, của thân nhân được tôn trọng như vốn dĩ phải vậy?

Những kẻ muốn đời đời làm “phụ mẫu” của dân tộc này cố gắng duy trì ảo vọng của họ bằng cách biến bạn và những người như bạn trở thành mù quáng. Khi các bạn lắc đầu, bất tuân, ảo vọng sẽ tan biến.

04/04/2013

Chú thích:

Ảnh: Đội Cấn – Wikipedia

(1) Vụ Đoàn Văn Vươn: Bị hại đề nghị giảm nhẹ cho bị cáo
(2) Luân chuyển Trưởng Công an huyện Tiên Lãng Lê Văn Mải
(3) Vụ Tiên Lãng: 50 cán bộ bị kỷ luật, kiểm điểm
(4) Cách chức em rể Dương Chí Dũng

Nguồn: Đồng Phụng Việt

Leave a comment