Tầm nhìn Hoàng Sa

+Điều trần về tù nhân lương tâm VN tại Quốc hội Hoa Kỳ(HQ3)

-40 năm Hoàng Sa: vượt qua bức tường im lặng-Nam Nguyên,  RFA – 40 năm Hải chiến Hoàng Sa – VN đã làm được gì?-Thanh Trúc, RFA -Ai là tác giả bài thơ “Tưởng niệm Hoàng Sa”? Vũ Nam Nhuận, Virginia, Mỹ — Chiến tranh thử thách và cơ hội để lấy lại Hoàng SaNguyễn Quang Duy –Thông cáo báo chí: lá thư gửi Liên Hợp Quốc được 10 nghìn chữ ký (XHDS)

‘Chiến đấu vì Tổ quốc, không vì chế độ

Cựu binh Hoàng Sa Lữ Công Bảy nói trong trận chiến năm 1974, ông và các đồng đội đã “không chiến đấu cho cá nhân hay chế độ nào, mà là vì Tổ quốc Việt Nam”.

Tầm nhìn Hoàng Sa

Lê Mai

Bốn mươi năm hải chiến Hoàng Sa

…”Tầm nhìn Hoàng Sa, sau 40 năm, càng khẳng định một chân lý: kẻ thù không ở đâu xa, nó luôn ở sát nách chúng ta và chỉ có sự quyết tâm, lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết, trí thông minh của cả dân tộc mới có thể đưa Hoàng Sa trở về trong lòng Tổ quốc.’

Ngày ấy, phe XHCN mà đứng đầu là “ông anh Cả” Liên Xô ra sức tuyên truyền cho học thuyết “chủ quyền hạn chế”, đặt “chủ nghĩa quốc tế vô sản” rồi “chủ nghĩa quốc tế XHCN” lên trên hết. Người ta hy vọng và mơ ước về một thế giới đại đồng, mọi người được tự do, ấm no, hạnh phúc. “Quan san muôn dặm một nhà. Bốn phương vô sản đều là anh em”.

Thăm Liên Xô, trong một lần hội đàm, Mao hỏi Khơrútsốp:

– Chủ nghĩa đế quốc sử dụng vũ khí hạt nhân, liệu chúng ta có thể chờ mà không phản kích ngay?

Khơrútsốp:

– Một giây cũng không thể chờ, phải lập tức phản kích.

Mao:

– Làm sao có thể tính toán chuẩn xác, biết lúc nào thì chúng bắn?

– Có thể biết được. Khơrútsốp tiếp tục. Bất cứ một nước XHCN nào bị đế quốc tiến công, chúng tôi đều nhanh chóng đánh trả.

– Quan điểm đó không đúng. Phải xem người ta có yêu cầu không đã. Mao đáp.

Học thuyết “chủ quyền hạn chế” bị phá sản bởi lợi ích dân tộc và chủ nghĩa sô vanh nước lớn. Có thể thấy, lịch sử xung đột biên giới của TQ với các nước láng giềng làm thế giới kinh ngạc và đầy lo lắng.

Với Ấn Độ, tháng 10.1962, quân đội TQ mở cuộc tấn công toàn diện vào biên giới Trung – Ấn, sau khi cho rằng quân đội Ấn Độ phát động cuộc tấn công vào quân biên phòng TQ trước.

Quân đội TQ với ưu thế về binh lực đã ào ạt vượt sông, sau đó chia thành các mũi tiến thẳng vào nơi quân Ấn xâm nhập. Quân Ấn Độ đào hào và xây lô cốt dày đặc, cố thủ với hỏa lực đan chéo mãnh liệt. Các trận đánh diễn ra ở địa hình đồi núi, tác chiến bằng đơn vị bộ binh gọn nhẹ với lựu đạn, súng tiểu liên, bộc phá, có sự yểm trợ của pháo binh.

TQ rêu rao, trong hơn một tuần, quân biên phòng TQ đã quét sạch hơn ba phần tư cứ điểm quân sự của quân Ấn Độ, đẩy lùi quân Ấn Độ về bên kia biên giới.

Tranh chấp với Liên Xô, TQ lại gây ra cuộc chiến tranh trên đảo Trân Bảo. Chỉ có diện tích 0,74 km2, đảo Trân Bảo nằm sát đường trung tâm dòng sông Usuli phân giới Trung – Xô mà TQ cho là thuộc tỉnh Hắc Long Giang TQ. Mao chọn đảo Trân Bảo làm trọng điểm phản kích đánh trả, lập Bộ chỉ huy tiền phương, chỉ thị cho quân biên phòng TQ hành động nhanh, dứt điểm, không kéo dài, sau khi giành thắng lợi thì rút về ngay. Còn nữa, bốn nguyên soái TQ còn chỉnh lý một bản báo cáo trình lên Mao mang cái tên rất kêu: “Từ cánh rừng thế giới xem xét cây Trân Bảo”. Song, TQ đã bị Liên Xô dạy cho một bài học về tranh chấp chủ quyền. Quan hệ Trung – Xô tiếp tục căng thẳng.

Các nước có chung biên giới với TQ như Mông Cổ, Lào, Miến Điện…đều có vấn đề với TQ. Xem ra, việc tranh chấp chủ quyền của các nước “XHCN anh em” không phải là chuyện hiếm.

Đặc biệt là TQ – một nước đất rộng, người đông nhưng thèm của người khác từng tấc đất. Không hiếm khi họ tạo ra những cái bẫy. Tuyên bố ngày 4.9.1958 về hải phận 12 hải lý của TQ là một cái bẫy, trong hoàn cảnh quốc tế ấy, ý thức hệ ấy buộc VNDCCH phải “ghi nhận và tán thành” và điều đó đã gây ra không ít sự phiền toái sau này cho VN.

Mặc dù tình hình phức tạp như vậy, đối với nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa (Việt Nam Cộng hòa), vấn đề chủ quyền quốc gia – bao gồm đất liền, vùng biển, vùng trời, hải đảo, đặc biệt là các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được thể hiện với một tầm nhìn mà ta phải công nhận là hết sức xa rộng.

Có người nói, vậy tuyên bố nổi tiếng: “Biên giới của Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17” của Tổng thống nền Đệ nhất Cộng hòa nên hiểu như thế nào? Và trên thực tế, có phải biên giới Hoa Kỳ thực sự kéo dài đến vĩ tuyến 17 hay không? Dĩ nhiên là không. Không có gì khó khăn để thấy rằng, đó là lời tuyên bố trong một cuộc chiến ý thức hệ, nói lên sự hiện diện của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ “thế giới tự do”. Lịch sử cho thấy Hoa Kỳ chưa hề chiếm đất của ai bao giờ. Cái mà Hoa Kỳ làm trên thế giới, đó là tạo ra thế và lực cho mình.

Các kiểu xâm lấn đất của TQ thì quá đa dạng và lắm thủ đoạn. Dời cột mốc là một thủ đoạn quen thuộc và đơn giản mà họ thường làm. Từ xâm canh xâm cư đến chiếm đất là một khoảnh cách gần. Họ lợi dụng xây dựng các công trình hữu nghị, đẩy lùi biên giới sâu vào lãnh thổ VN. Lợi dụng việc VN nhờ vẽ bản đồ, họ sửa đường biên giới lấn vào đất VN.

TQ không ngần ngại gây nên xung đột vũ trang để chiếm đất mà đỉnh cao là việc đánh chiếm Hoàng Sa của VNCH năm 1974.

Bấy giờ, hai miền Nam Bắc chưa thống nhất, dù Hiệp định Paris đã ký kết gần một năm. Người Mỹ đã ra đi – hơn thế nữa, họ còn thỏa thuận bí mật với TQ trên lưng đồng minh của họ, bỏ mặc Hoàng Sa cho TQ xâm chiếm. Dù sao, bảo vệ Hoàng Sa là chính sách nhất quán của VNCH, không những được thể hiện bằng lời nói mà chủ yếu – bằng nhiều hành động trên thực tế.

Ngày 26.5.1956, Chính phủ VNCH chính thức tuyên bố quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa (mà TQ gọi là Tây Sa và Nam Sa) thuộc lãnh thổ Nam Việt Nam và thông qua bộ máy truyền thông của mình, loan tin ra cả thế giới.

Cho dù ngay lập tức TQ ra tuyên bố nói rằng “quyết không cho phép xâm phạm chủ quyền của TQ đối với quần đảo Tây Sa và các đảo khác thuộc về TQ, yêu cầu VNCH phải đình chỉ ngay mọi hoạt động khiêu khích”, VNCH vẫn tiếp tục tiến hành trinh sát, đưa quân đánh chiếm một số đảo trong quần đảo Hoàng Sa. Tiếp đó, quân đội VNCH bắt tay vào việc đào chiến hào, xây dựng lô cốt, dựng cột mốc chủ quyền, ghi rõ những đảo này thuộc lãnh thổ Nam VN. Phải công nhận, đó thực sự là tầm nhìn xa rộng – tầm nhìn Hoàng Sa.

Ngày 13.7.1961, Tổng thống VNCH ra sắc lệnh số 174, trong đó ấn định: “Quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam. Một đơn vị hành chánh xã bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy danh hiệu là xã Định Hải trực thuộc quận Hòa Vang. Xã Định Hải đặt dưới quyền một phái viên hành chánh”.

Trong 18 năm, từ 1956 đến 1973, VNCH đã tiếp tục thực hành chủ quyền trên 6 đảo đá của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 9.1973, VNCH lại tuyên bố sẽ đưa hơn 10 đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa vào địa phận quản lý của tỉnh Phước Tuy.

Giữa tháng 1.1974, 4 tầu chiến VNCH, trong đó có khu trục hạm “Trần Khánh Dư”, tuần dương hạm “Trần Bình Trọng”, “Lý Thường Kiệt” và hộ tống hạm “Nhật Tảo” tiến vào vùng biển Hoàng Sa. TQ đã giương bẫy chờ sẵn, cộng với so sánh lực lượng hoàn toàn có lợi cho TQ, trận hải chiến Hoàng Sa kết thúc với việc từ đây TQ đã ăn cướp toàn bộ Hoàng Sa.

Tầm nhìn Hoàng Sa của VNCH không những thể hiện bằng các tuyên bố, sắc lệnh, Nghị định mà còn bằng việc chiếm hữu trên thực tế, thực hiện quyền chủ quyền của mình tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách liên tục, công khai, hòa bình.

Chấp nhận giao chiến với TQ cho dù so sánh lực lượng không có lợi, dù bối cảnh quốc tế phức tạp đan xen bởi mưu đồ của các nước lớn, tầm nhìn Hoàng Sa của VNCH vẫn sáng ngời, là tiếng nói của chúng ta cất cao trước thế giới: chủ quyền của VN là bất khả xâm phạm, không một ai có thể thủ đắc bằng vũ lực.

Tầm nhìn Hoàng Sa, sau 40 năm, dường như đã làm người Việt trên toàn thế giới xích lại gần nhau hơn, mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn trong việc giành lại quần đảo thiêng liêng của chúng ta.

Tầm nhìn Hoàng Sa, sau 40 năm, càng khẳng định một chân lý: kẻ thù không ở đâu xa, nó luôn ở sát nách chúng ta và chỉ có sự quyết tâm, lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết, trí thông minh của cả dân tộc mới có thể đưa Hoàng Sa trở về trong lòng Tổ quốc.

L. M.

Nguồn: http://lemaiblog.wordpress.com/2014/01/17/tam-nhin-hoang-sa/

http://www.boxitvn.net/bai/22761

40 năm Hoàng Sa: vượt qua bức tường im lặng

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-01-17
EmailÝ kiến của BạnChia sẻIn trang này

namnguyen01172014.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

kyniemhoangsa2-305.jpg

Trung tâm Minh Triết tại Hà Nội (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) tổ chức buổi gặp mặt tưởng niệm 40 năm sự kiện Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm, hôm 11/1.

Courtesy TN

Một bước thay đổi trong giới hạn

Hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự tỏ ra mạnh mẽ trong dịp tưởng niệm 40 năm Trung Quốc đánh bại Hải quân VNCH xâm chiếm Hoàng Sa. Nhà nước Việt Nam từ chỗ im lặng trước nước lớn bá quyền, cản trở người dân bày tỏ sự căm phẫn thì nay đã có một bước thay đổi, tuy còn thể hiện sự tự giới hạn trong lằn ranh.

Về chuyển biến của chính quyền thể hiện qua thông tin báo chí trong dịp kỷ niệm 40 năm sự kiện Hoàng Sa, nhà nghiên cứu sử Nguyễn Đình Đầu từ Saigon nhận định:

“Quá chậm và còn có vẻ rời rạc. Tuy vậy cũng hiểu rằng Trung Quốc bây giờ không phải là Trung Quốc hồi xưa nữa, không phải Trung Quốc cách đây năm bảy mươi năm nữa. Về phương diện kinh tế Trung Quốc lên quá rồi, các nước cũng vì lý do kinh tế…nhưng mà gần đây Trung Quốc cư xử ở Biển Đông rồi biển Hoa Đông quá đáng như vậy thì cũng làm cho cả thế giới phê phán. Chính quyền Việt Nam thấy như vậy cũng là một thuận lợi cho mình để tỏ thái độ cứng rắn nhưng riêng đối với tôi thái độ ấy còn quá chậm và còn có vẻ rời rạc.”

Nhà nghiên cứu sử Nguyễn Đình Đầu đã nhận định như vậy khi trả lời chúng tôi trước sự kiện vào chiều tối 18/1/2014 Câu lạc bộ Phao Lô Nguyễn Văn Bình tổ chức lễ tưởng niệm, tri ân và cầu nguyện cho tất cả đồng bào chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ biển đảo Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) tại trụ sở 43 Nguyễn Thông TP.HCM với sự tham dự của giới nhân sĩ trí thức và gia quyến các tử sĩ Hoàng Sa-Trường Sa. Nhà Nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nói rằng động cơ tổ chức lễ tưởng niệm là vì lợi ích dân tộc.

“Rõ ràng chuyện bảo vệ tổ quốc thì những người đứng ở phía nào cũng là bảo vệ tổ quốc, năm nay có lẽ không đến nỗi khó khăn như lần  tổ chức thứ nhất (2011). Tôi có cảm tưởng là Chính quyền đã thấy được chuyện Trung Quốc làm quá đáng không những riêng đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều nước xung quanh và gần như khắp cả thế giới đều lên án Trung Quốc khi họ không những trái với lịch sử mà còn vi phạm Công ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.”

Chính quyền Việt Nam thấy như vậy cũng là một thuận lợi cho mình để tỏ thái độ cứng rắn nhưng riêng đối với tôi thái độ ấy còn quá chậm và còn có vẻ rời rạc.
-Nguyễn Đình Đầu

Nhà nước Việt Nam luôn phải e dè Trung Quốc và luôn ngậm bồ hòn làm ngọt là một thực tế, dù hai nước xã hội chủ nghĩa anh em từng trải qua cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 và 8 năm sau đó là trận Gạc Ma ở Trường Sa. Năm 1974 khi Trung Quốc tấn công lấn chiếm Hoàng Sa sau khi đánh bại Hải quân VNCH, Hà Nội giữ thái độ im lặng điều mà nhà nghiên cứu sử Nguyễn Đình Đầu nhận định “Tình đồng chí giữa những người Cộng sản lúc đó còn lớn hơn lãnh thổ.”

VietnamNet bản tin trên mạng ngày 6/1/2014 đã trích lời ông Dương Danh Dy nhà nghiên cứu về Trung Quốc giải thích vấn đề này. Theo đó quan điểm của Hà Nội qua lời Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch vào thời điểm 1974 là, miền Bắc rất cần Trung Quốc giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại miền Nam. Lúc đó ông Nguyễn Cơ Thạch đã nói với ông Dương Danh Dy chúng tôi trích nguyên văn: “Dy ơi, sao cậu dại thế! Đất nước đã thống nhất chưa? Thống nhất đất nước so với việc Trung Quốc chiếm nửa Hoàng Sa thì cái nào lớn hơn cái nào.”

Trong tương quan lịch sử như thế, Nhà nước Việt Nam chỉ dám sử dụng  một cách hạn chế phương tiện truyền thông báo chí khi cho phép lật lại tư liệu lịch sử Hải chiến Hoàng Sa 1974. Các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động gồm cả bản in và trang điện tử cùng báo mạng VietnamNet đã có chiến dịch quảng bá Hải chiến Hoàng Sa như một chứng cứ lịch sử về việc Trung Quốc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam và cũng qua đó vinh danh những anh hùng tử sĩ VNCH đã bỏ mình vì nước. Sử liệu của Hải Quân VNCH về trận Hoàng Sa được báo chí Nhà nước công bố, thậm chí tờ Tuổi Trẻ còn thực hiện một việc chưa từng thấy là trích đăng Hồi ký của Phó Đề đốc Hải quân VNCH Hồ Văn Kỳ Thoại về trận Hoàng Sa, cũng như bài viết ở hải ngoại của những người trong cuộc như cựu Hải quân Trung tá Vũ Hữu San, hạm trưởng Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ4. Các báo còn tìm gặp các nhân chứng sống là binh sĩ chế độ cũ, từng trấn đóng ở đảo Hoàng Sa hoặc các cựu chiến binh VNCH từng tham dự trận hải chiến 1974 đương đầu Trung Quốc.

Ngoài ra Đài Truyền hình Đồng Nai của Nhà nước đã được phép chiếu phim tài liệu về Hải chiến Hoàng Sa của VNCH, phim này từng được phổ biến trên kênh 9 Đài Truyền hình THVN vào năm 1974. Phim tài liệu này dài hơn 13 phút ghi lại trang sử ca anh hùng của những người lính VNCH đã chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa và bỏ mình vì tổ quốc. Chúng tôi xin trích một đoạn trong phim tài liệu này:

hai-chien-1-305
Chiến hạm VNCH và Trung Quốc giao tranh ở Hoàng Sa năm 1974.

“Những bài báo về trận Hải chiến Hoàng Sa đã đăng trên các tờ nhật báo tại Thủ đô Saigon vào năm 1974 như nhật báo Chính luận, Đông Phương, Sóng Thần, Hòa Bình ..v..v..tấm hình Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rời Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 1 Duyên hải sau khi ra chỉ thị thị về biện pháp đối phó với Trung Cộng khi Hạm đội Trung Cộng xâm nhập hải phận VNCH tại Hoàng Sa.”

Đó là đoạn mở đầu trong phim tài liệu của VNCH được Đài Truyền Hình Đồng Nai chiếu lại cho công chúng. Giới nhân sĩ trí thức tán dương sự thay đổi tư duy của Chính phủ cho phép quảng bá sự thật lịch sử để người dân hiểu rõ. Tuy rằng, Nhà nước đã giới hạn chỉ cho chiếu trên một đài Truyền hình Tỉnh là Đồng Nai thay vì trên kênh Truyền hình Trung Ương hoặc các đài Hà Nội – TPHCM. Chúng tôi xin trích một đoạn khác trong phim tài liệu VNCH:

“Tiếc thay Nhật Tảo không may mắn được về bến nhà, sau trận đánh ngày 19/1/1974 chiếc tàu nhỏ bé bị trúng đạn rất nhiều, máy hư trôi dạt trên biển, hạm trưởng Ngụy Văn Thà cùng một số nhân viên tử thương. Trưa ngày 19/1 thêm hai tuần dương hạm Trung Cộng xuất hiện, chiếc tàu mang số 281 của Trung Cộng tiếp tục nã đạn vào HQ10. Chiều ngày hôm đó lúc 14g52 phút tại vị trí phía Nam bãi san hô Antelope Hộ Tống Hạm Nhật Tảo chìm dần và đi vào lịch sử…”

Sử sách chưa ghi chép

Rất nhiều người dân ở miền Bắc không biết về trận hải chiến Hoàng Sa 1974 giữa Hải quân VNCH và Hải quân Trung Quốc, thế hệ trẻ lớn lên sau chiến tranh càng không biết vì sách sử chưa ghi chép. Ông Đỗ Việt Khoa, một nhà giáo ở Hà Nội trình bày cảm nhận của mình trong sự kiện 40 năm Hải chiến Hoàng Sa. Ông nói:

“Tính từ 1975 đến giờ đây là lần đầu tiên các báo được đăng về Hải chiến Hoàng Sa, nhiều báo nói về các chiến sĩ VNCH hy sinh ở Hoàng Sa với sự ngưỡng mộ khâm phục. Đấy là sự thay đổi tư duy rất là lớn và chính quyền không còn gây khó cho chuyện này nữa. Tôi nghĩ đấy là xu hướng tất yếu, ngày xưa viết về binh sĩ VNCH họ gọi là ngụy quân ngụy quyền. Đến nay các báo vinh danh họ nêu tên các chiến sĩ đó như Ngụy Văn Thà, Võ Thành Trí và vừa rồi còn nói cả đến Hạm Trưởng Vũ Hữu San nữa, thì đấy là các thay đổi rất tích cực. Tiến tới làm thế nào để lòng người không chia cách nữa.”

Chính phủ không chính thức tổ chức lễ tưởng niệm 40 năm ngày mất Hoàng Sa vì những liên hệ với Trung Quốc. Nhưng có thể từ năm nay các tổ chức dân sự sẽ bớt chịu sự can thiệp thô bạo của công an, mỗi khi có những hoạt động phản đối Trung Quốc lấn chiếm biển đảo của Việt Nam.

Tính từ 1975 đến giờ đây là lần đầu tiên các báo được đăng về Hải chiến Hoàng Sa, nhiều báo nói về các chiến sĩ VNCH hy sinh ở Hoàng Sa với sự ngưỡng mộ khâm phục.
-Đỗ Việt Khoa

Ông Nguyễn Hữu Vinh, một nhà hoạt động ở Hà Tĩnh phát biểu:

“Hẳn nhiên người dân làm những chuyện đó là quyền của người ta, chứ bây giờ không phải đi xin nữa hoặc phải được mớm lời. Trước đây rõ ràng quyền của tôi nhưng tôi không biết sử dụng quyền đó, tôi phải đi xin. Bây giờ đến lúc xã hội Việt Nam không phải xin như vậy nữa, những hành động vừa qua trong xã hội dân sự cái gì không trái pháp luật là người ta đang làm. Đơn giản là như vậy, người dân dám rủ nhau đứng ra tổ chức tưởng niệm, vấn đề không phải là là nhà nước đứng đàng sau bật đèn xanh hay đèn đỏ nữa mà vấn đề là nhận thức của người dân đã có những thay đổi như vậy, chứ không phải vì nhà nước muốn hay không muốn.”

Những hoạt động thiết thực được ghi nhận từ xã hội công dân, Quỹ Nhịp cầu Hoàng Sa do nhóm Huy Đức khởi xướng được Người Việt trong ngoài nước hưởng ứng mạnh mẽ với hy vọng giúp một mái nhà cho bà quả phụ Ngụy Văn Thà và các gia đình tử sĩ khác cần được giúp đỡ. Bên cạnh đó hai nhóm No-U Hà Nội-Saigon cũng tổ chức quyên góp để giúp đỡ 10 gia đình chiến sĩ Hoàng Sa.

Trong các hoạt động hiếm hoi do chính quyền tổ chức, theo Lao động Online bản tin trên mạng ngày 16/1, một sự kiện đặc biệt diễn ra vào đêm 18/1 tại Công viên Biển Đông Đà Nẵng, lần đầu tiên chính quyền tổ chức “Thắp nến tri ân” những người đã ngã xuống vì Hoàng Sa, trong đó có 74 binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Theo tờ báo, kỷ niệm 40 năm ngày quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm, Bộ Thông tin và Truyền Thông phối hợp UBND Huyện đảo Hoàng Sa TP.Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức triễn lãm quy mô lớn nhất từ trước tới nay với chủ đề: “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-những bằng chứng lịch sử.” Ngoài ra còn tổ chức tọa đàm, hội thảo Hoàng Sa, triễn lãm lưu động đến các trường đại học.

Trước đó ngày 11/1 tại Hà Nội Chương trình Minh triết làm chủ biển Đông đã tổ chức lễ tưởng niệm 40 năm Hoàng Sa bị TQ chiếm đoạt bằng vũ lực và 74 chiến sĩ hải quân VNCH vị quốc vong thân. Theo Tuổi Trẻ Online, nhiều nhà nghiên cứu có mặt tại lễ tưởng niệm cùng với gia quyến của tử sĩ Hoàng Sa Ngụy Văn Thà, hạm trưởng Hộ Tống hạm Nhật Tảo đã người đã tử trận cùng chiến hạm mà ông chỉ huy. Phát biểu tại Lễ Tưởng niệm, Cựu Đại sứ Nguyễn Trung nói rằng: “Chúng ta  không thể làm lại lịch sử nhưng từ lịch sử phải rút ra bài học cần thiết.”

Về hoạt động của các tổ chức dân sự tưởng niệm 40 năm ngày Hoàng Sa thất thủ vào tay Trung Quốc, TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển IDS từng nhận định:

Những chiến sĩ VNCH đã hy sinh trong cuộc bảo vệ Hoàng Sa là những anh hùng của dân tộc Việt Nam này. Tôi nghĩ là bất luận chính thể nào cũng phải trân trọng và tôn vinh những người như thế. Khi mà một chính phủ, một chế độ không làm được điều ấy thì trong người dân người cũng làm việc đó, có lúc thì âm thầm có lúc thì công khai. Những chuyện ấy rất là bình thường và lịch sử nhân dân Việt Nam sẽ luôn luôn ghi nhớ những người ấy như là những người con thân yêu của đất nước.”

Và tất cả các cựu binh Hoàng Sa trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước đều được tổ quốc ghi công, đặc biệt là 74 chiến sĩ hải quân VNCH đã bỏ mình vì đất nước. Ngày 19/1/2014 này chính là ngày tưởng niệm 40 năm những anh hùng tử sĩ đã vùi thây đáy biển để bảo vệ tổ quốc chống lại quân xâm lược phương Bắc.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/to-overcome-the-wall-of-silence-nn-01172014102905.html

40 năm Hải chiến Hoàng Sa – VN đã làm được gì?

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014-01-17
EmailÝ kiến của BạnChia sẻIn trang này

thanhtruc01172014.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

hai-chien-1-305.jpg

Sơ đồ trận hải chiến Hoàng Sa 1974 giữa VNCH-Trung Quốc.

Wikipedia photo

Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ trận hải chiến Hoàng Sa 1974, người Việt Nam phải tự vấn lương tâm là đã làm được gì bởi mất Hoàng Sa và không giữ được Trường Sa là mất Biển Đông, giòng sinh mệnh của dân tộc.

Cần vinh danh những chiến sĩ đã hy sinh

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên đại sứ Việt Nam tại Hòa Lan, nguyên Trưởng Nhóm Tư Vấn Lãnh Đạo Bộ Ngoại Giao, sẽ khẳng định như vậy tại cuộc hội thảo khoa học nhân sự kiện 40 Năm Trung Quốc Cưỡng Chiếm Hoàng Sa ở Đà Nẵng ngày 19 tháng Giêng này:

TS Đinh Hoàng Thắng: Theo tôi biết ngoài buổi hội thảo khoa học thì Đà Nẵng còn có một lễ tôn vinh rồi cả đèn hoa đăng rồi một số những hoạt động khác nữa. Trung Tâm Minh Triết chúng tôi sắp tới đây đề nghị với Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là phải vinh danh, phải công nhận 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ mạng vì Hoàng Sa ngày đấy cũng phải được vinh danh như 64 liệt sĩ của Hải Quân Nhân Dân Việt Nam trong vụ thảm sát Gạc Ma ở Trường Sa năm 1988.

Thanh Trúc: Thưa tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, trong tư cách tham luận viên tại buổi hội thảo khoa học 40 Năm Trung Quốc Cưỡng Chiếm Hoàng Sa, điều quan trọng nhất ông muốn trình bày là?

TS Đinh Hoàng Thắng: Đầu tiên tôi muốn nói cái đảo bị chiếm không phải là cái đảo bị mất. Đó là thông điệp rất quan trọng. Bởi vì cái chiếm đó là một hành động bằng vũ lực, hành vi đó đi ngược lại với Luật Pháp Quốc Tế. Chúng ta hiện đang bước vào thiên niên kỷ thứ ba được 15 năm rồi, có nghĩa là  thế giới không ở cái thời kỳ mông muội nữa, không ở cái thời kỳ mà anh mạnh bắt nạt anh yếu, không ở thời kỳ có thể múa gậy vườn hoang nữa. Mọi chuyện tất nhiên không phải được quyết định hoàn toàn bởi Luật Pháp Quốc Tế , nhưng trong thế giới hiện đại văn minh này thi Luật Pháp Quốc Tế càng ngày càng có vị trí quan trọng. Vì vậy mà tôi nói rằng đảo bị chiếm không phải là đảo bị mất.

Trong lúc này lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng, nếu nhìn mọi vấn đề từ lợi ích quốc gia dân tộc mình sẽ có hướng đi ra và sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Tất nhiên nếu ngồi lại với nhau trong cái mạn đàm khoa học, trao đổi trên tinh thần tương nhượng và sự hiểu biết lẫn nhau.

Thanh Trúc: Thưa ông có thể nói điều gì trước thực tế là Hoàng Sa đã mất, Trường Sa cũng mất một số đảo, trong lúc Trung Quốc ngang nhiên leo thang khiêu khích ngày càng nhiều?

TS Đinh Hoàng Thắng: Cái tính cách nghiêm trọng của vấn đề Hoàng Sa bị cưỡng chiếm rồi một phần Trường Sa bị cưỡng chiếm, và nay mai Trung Quốc có thể có những biện pháp mạnh trên Biển Đông nữa. Nói nguy hiểm cũng không nói hết tầm mức nghiêm trọng của vấn đề mà phải nói rằng con đường sinh mệnh của dân tộc Việt Nam, con đường sinh mệnh của đất nước Việt Nam bị chặn lại. Cái này không chỉ trên vấn đề về tư duy khoa học về chính trụ về kinh tế mà ngay đến mặt tâm linh mà nói cũng rất nghiêm trọng.

Cần đoàn kết

Thanh Trúc: Ông nói lợi ích dân tộc và chủ quyền quốc gia là điều tối thượng, vậy phải làm gì để bảo vệ điều tối thượng và tài sản quí báu nhất đó?

hai-chien-2-250.jpg
Chiến hạm HQ4 của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa tham gia bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. File photo.

TS Đinh Hoàng Thắng: Tôi muốn nói rằng việc đầu tiên những người Việt Nam không chỉ ở trong nước mà cả những người Việt Nam ở nước ngoài, ở khắp nơi trên quả đất này, phải suy ngẫm là mình phải hết sức đoàn kết, hết sức làm thế nào cùng nhau hướng về mục tiêu tối thượng để một ngày nào đó, bằng những phương tiện khác nhau chúng ta phải giành lại được Hoàng Sa, phải dành lại được những đảo đã mất ở Trường Sa. Tất nhiên nói thì nghe đơn giản nhưng làm không đơn giản.

Hiện nay chúng ta có khu vực hóa, có chủ nghĩa khu vực mở, bản thân Việt Nam cũng đã xây dựng được một quan hệ quốc tế rất linh hoạt, đó là cái hệ thống đối tác chiến lược, hệ thống đối tác toàn diện với hầu hết tất cả các nước trong P5, trong đó có cả Trung Quốc. Việc dựa vào Luật Pháp Quốc Tế cũng có những chuyện khá quyết định nhưng với tư cách là người trong nước tôi nghĩ trước hết Việt Nam phải làm thế nào có được cái sự hòa giải hòa hợp dân tộc, có được cái trong ấm ngoài êm và phải thúc đẩy những chương trình hiện nay trong nước đang có như chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa, Ngàn Thanh Niên Thế Kỷ 21, Giấc Mơ Việt Nam, Minh Triết Về Biển Đông, Nuôi Chí Giành Lại Hoàng Sa. Cổ võ những chương trình này trong khắp cả nước là đấu tranh về mặt chính trị, tất nhiên còn phải làm nhiều mặt khác nữa.

Thanh Trúc: Còn trước mối hiểm nguy nước lớn từ Trung Quốc thì việc mang lợi ích quốc gia trên Biển Đông gắn với lợi ích của khu vực ASEAN và quốc tế nên chăng điều cần thiết phải làm, thưa ông?

TS Đinh Hoàng Thắng: Nói về ASEAN và trong khu vực thì tôi cũng phải nói trong  và ngoài ASEAN, trong đó có Hoa Kỳ và Nhật Bản , đã biết từ sớm và khá rõ là khi Trung Quốc đâu chỉ đe dọa mỗi mình Việt Nam mà đe dọa toàn khu vực. Những lúc này ta phải hỏi “Chuông nguyện hồn ai?” Đây là chuông nguyện chính những nước trong khu vực và những nước ngoài khu vực! Vì vậy nhu cầu hợp đoàn, nhu cầu phải có một tiếng nói chung như vừa thấy sau cái tuyên bố của Trung Quốc vừa rồi là lần lượt Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Hoa Kỳ và gần đây nhất là Nhật Bản đã tỏ thái độ. Đó chính là sức mạnh, nhưng tôi vẫn nhấn mạnh là Việt Nam phải coi trọng sức mạnh nội tại. Sức mạnh bên ngoài chỉ có thể phát huy được khi mình có sức mạnh trong nước, cả hai cái đó mới thành nền tảng bền lâu trong cuộc đấu tranh giành lại, giữ gìn và bảo vệ biển đảo.

Thanh Trúc: Bao năm nay, như ông thấy, nỗ lực từ các nước tranh chấp cùng những quốc gia bạn trong ASEAN buộc Trung Quốc tôn trọng DOC và tiến tới COC… coi như thất bại. Việt Nam có nên cậy vào Luật Pháp Quốc Tế như Philippines chăng?

TS Đinh Hoàng Thắng: Phải nói thẳng trong thực tế Trung Quốc đang chà đạp DOC, vất cái DOC ấy vào sọt rác, thì nếu cái ngày mà ASEAN và các nước đối thoại không thấy cái tính chất nghiêm trọng của vấn đề này thì sẽ rất nguy hiểm. Thế còn đối với COC thì rõ ràng sau cái ADIZ Khu Vực Xác Nhận Phòng Không của Trung Quốc ở Hoa Đông, rồi sau cấm bắt đánh cá ở Biển Đông thì tương lai của COC càng xa.

Mặc dù sau một thời gian nửa năm vừa rồi ta thấy có vẻ sóng yên biển lặng nhưng đấy chỉ là bề ngoài, nhiều khi đấy là sự yên tĩnh trước cơn bão. Hiện chưa ai có thể lường trước được tình hình an ninh khu vực năm 2014 này sẽ thế nào nhưng tôi nghĩ là sẽ khó khăn.

Còn hỏi Việt Nam có thể làm gì hơn, có thể theo gương Philippines không? Cái này trước hết thuộc phạm vi của giới hoạch định chính sách của nhà nước. Tôi nghĩ nếu đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế thì Việt Nam phải dày công nghiên cứu kinh nghiệm của quốc tế, bởi vì tòa án quốc tế không có một mà có hai hay ba tòa án quốc tế. Tại sao Philippines kiện Trung Quốc trong khi Trung Quốc không ra, tại vì Philippines đưa Trung Quốc ra tòa án Phụ Lục VII của Công Ước UNCLOS 1982. Nếu Việt Nam cũng muốn đưa vấn đề này ra thì chọn tòa án nào, Tòa Án Hòa Giải, Tòa Án Phụ Lục VII, hoặc Tòa Án Điều VIII…? Dù tòa án nào thì Việt Nam phải phân biệt trong tranh chấp này là có phần tranh chấp lãnh thổ và có phần tranh chấp biển. Đây là vấn đề phải có nghiên cứu kỹ lưỡng, công phu và phải có sự quyết định từ giới hoạch định chính sách chứ không phải ở những trung tâm NGO như chúng tôi.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng về thời giờ của ông.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/lost-of-hoang-sa-40-years-later-tt-01172014123158.html

Ai là tác giả bài thơ “Tưởng niệm Hoàng Sa”?

Vũ Nam Nhuận, Virginia, Mỹ

Anh ruột tôi là một liệt sĩ hy sinh trên chiến hạm HQ 10, Nhật Tảo. Mấy chục năm nay tôi đã đọc biết bao nhiêu bài thơ, đoạn văn viết để tri ân các liệt sĩ anh hùng. Có một bài thơ thật đặc biệt với tôi vì nó được viết bởi một người miền bắc (khuyết danh) năm 1974. Theo Đặc san Quảng Đà phát hành ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, năm 2005 (trang 84), bài thơ này đã được gửi từ miền Bắc Việt Nam sang Pháp rồi từ đó chuyển về miền Nam Việt Nam năm 1974 sau trận Hoàng Sa. Tôi đọc bài thơ này không biết bao nhiêu lần không chán… Lời thơ thật cảm động, sẻ chia và cũng đầy hùng khí. Vì tình hình chính trị năm 1974, tác giả đã không thể để tên của mình. Hy vọng bây giờ với internet, chúng ta có thể tìm ra danh tánh của vị tác giả bài thơ này.

V. N. T.

TƯỞNG NIỆM HOÀNG SA 
Xin kể thêm tôi: thành 19 triệu một người
Trái tim tôi đập về trong đó
Dòng máu xa nguồn bỗng giận sôi
Hoàng Sa, Hoàng Sa
Cái tên nghe buồn từ thuở ban sơ
Đối với tôi đã là da thịt
Dẫu chỉ là một mảnh san hô
Lại đau chăng vết buốt tự ngàn xưa
Trong sử cũ còn hằn dấu ngựa
Từ thảo nguyên xa
Từ biển ải lửa
Khói tràn về đen thẫm những ước mơ
Đếm bao người vợ đợi chờ
Em ơi, trên từng trang sử nhỏ
Xin kể thêm tôi, thành 19 triệu một người
Thành viên gạch hồng tươi
Làm bức tường thành, ngăn triền sóng dữ
Giữ không cho rơi một giọt mật nào
Mỗi giọt ra đi chính mỗi giọt máu đào, bao đời cha ông nhỏ xuống
Người bạn hải quân miền nam ơi
Trên đảo mù sương hôm đó có tay anh cầm súng
Từ những hạm tàu rẽ sóng đại dương
Tôi thấy pháo anh giương nòng sừng sựng
Cuộc chiến đấu kết thúc dù bi thảm
Bài ca anh hùng vẫn vọng trời cao
Xin cho thơ tôi góp phát súng chào
Vĩnh biệt tuần dương chìm giữa sóng
Đáy biển âm thầm ngàn năm lạnh cóng
Vẫn mặn nồng lòng tổ quốc ta

Một thi sĩ miền Bắc khuyết danh (1974 )

Nguồn: FB Huy Đức

http://www.boxitvn.net/bai/22759

 Chiến tranh thử thách và cơ hội để lấy lại Hoàng Sa

Nguyễn Quang Duy

Ngày 19-1-1974, lợi dụng Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam, Trung cộng cho tàu chiến tấn công và đổ bộ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Từ đó, càng ngày họ càng trở nên hiếu chiến, từng bước lấn chiếm các nơi khác và đơn phương xem Biển Đông là ao nhà. Thái độ hiếu chiến đang dẫn đến chiến tranh.

Nhân 40 năm tưởng niệm các chiến sỹ Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa anh dũng chống trả quân Tàu. Bài viết này bình luận chiến tranh là thử thách và cơ hội để chúng ta lấy lại Hoàng Sa và có được tự do.

Vị Thế Chiến Lược

Việt Nam nằm trên ngã ba đường giao thông quốc tế. Bờ biển Việt Nam một phía, phía bên kia là Hoàng Sa và Trường Sa, bao phủ biển Đông. Kiểm soát được hai quần đảo là kiểm soát được biển Đông, và là kiểm soát được tuyến đường hàng hải quốc tế đang càng ngày càng trở nên quan trọng.

Chính vì thế, từ ngàn xưa ông bà chúng ta đã cho hải quân ra vào canh giữ hai quần đảo chiến lược này. Đến thời kỳ Pháp Thuộc, người Pháp tiếp tục kiểm soát trục lộ giao thông này.

Ngày 7.9.1951, tại hội nghị San Francisco Hoa Kỳ trước sự hiện diện của phái đoàn gồm 51 quốc gia tham dự, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Bảo Đại đã long trọng tuyên bố: “Chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.

Trong thế nước nhỏ đang chiến tranh, khi quân Tàu xâm chiếm Hoàng Sa, các binh sỹ quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã nổ súng chiến đấu nhằm xác định chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những phần đất này.

Khi trận Hải chiến Hoàng Sa còn đang diễn ra, ngày 19-1-1974, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa đã ra tuyên cáo lên án Trung Cộng xâm lược và khẳng định chủ quyền trên quần đảo này: “…Các hành động quân sự của Trung Cộng là hành vi xâm phạm trắng trợn vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, và một lần nữa vạch trần chánh sách bành trướng đế quốc mà Trung Cộng liên tục theo đuổi…”

Tuyên Cáo đưa ra nhận định:“Việc Trung Cộng ngày nay xâm phạm lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa không những chỉ đe dọa chủ quyền và an ninh của Việt Nam Cộng Hòa, mà còn là một hiểm họa đối với nền hòa bình và ổn cố của Đông Nam Á và toàn thế giới.” Nhận định này ngày nay đã trở thành sự thực.

Chiến lược biển của Trung Cộng

Ba thập niên vừa qua, Trung cộng áp dụng mô hình phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên và lực lượng lao động rẻ, sản xuất các mặt hàng giản đơn phục vụ xuất khẩu. Nền kinh tế từ đó bị lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu hàng hóa sang Âu Mỹ và nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu từ khắp nơi trên thế giới.

Hải trình xuyên qua Biển Đông trở thành con đường xuất nhập chủ yếu. Ước tính có trên 80 phần trăm số hàng hóa xuất nhập đều đi qua tuyến đường này. Chính vì thế họ càng ngày càng lộ rõ tham vọng chiếm đóng biển Đông.

Năm 1988 và 1989, khi Liên Xô sửa soạn rời khỏi Đông Dương, họ đã tấn công và chiếm đóng một số nơi trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Năm 1995, khi Hoa Kỳ rút khỏi những căn cứ tại Phi Luật Tân, Trung cộng bắt đầu sử dụng quân sự tranh chấp bãi cạn Scarborough phía Tây Bắc nước này.

Tháng 11-2003, Hồ Cẩm Đào lên tiếng cảnh cáo mưu đồ của những cường quốc nhằm kiểm soát và phong tỏa quyền đi lại của tàu bè Trung Cộng qua lại eo biển Malacca nối liền Ấn Độ Dương và Biển Đông. Hồ tuyên bố chủ quyền và “lợi ích cốt lõi” Trung Cộng tại Biển Đông, và đưa ra bản đồ có hình chữ U xác định biên giới bao gồm tới 80 phần trăm Biển Đông. Gần 2000 cây số bờ biển Việt Nam bị nó che phủ và chữ U kéo dài xuống tận Nam Dương, Mã Lai..

Với lập luận: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với các đảo ở Biển Đông và vùng nước xung quanh, và được hưởng chủ quyền, quyền tài phán với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển của nó”, họ tự cho phép quyền bảo vệ an ninh quốc gia trên Biển Đông, quyền kiểm soát và khai thác tài nguyên tự nhiên gồm nguồn lợi thủy sản, dầu, khí và khoáng sản ở trên hoặc nằm dưới đáy biển.

Họ tuyên bố có “toàn quyền” trên các quần đảo Hòang Sa và Trường Sa, và thành lập Thành phố Tam Sa làm trung tâm kiểm soát biển Đông. Họ tự đóng tiềm thủy đỉnh nguyên tử, tầu đổ quân, xây dựng hàng không mẫu hạm, thử nghiệm phản lực cơ tàng hình, cũng như cho xây dựng phi trường quân sự trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từng bước Trung cộng biến khu vực Biển Đông thành một khu vực do họ chiếm đóng. Họ cắt dây cáp và gây hấn với các tàu thăm dò dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Ngày 22/7/2011, trong khi chiến hạm ISN Airavat của Ấn Độ đang trên đường vào cảng Hải Phòng chỉ cách bờ biển Việt Nam 45 hải lý (83km) thì bị cảnh cáo là “vi phạm hải phận Trung Quốc”.

Họ cho Tàu chiến xâm phạm hải phận các quốc gia trong vùng. Họ cấm ngư dân đánh cá, bắn vào tàu đánh cá và bắt bớ ngư phủ Phi Luật Tân và Việt Nam. Và đặc biệt họ cho sử dụng hằng chục ngàn các đoàn tàu đánh cá dàn trải khắp biển Đông như một cách tuyên bố chủ quyền.

Sửa soạn chiến tranh

Ngay sau khi nắm quyền vào tháng 11-2012 Tập Cận Bình cho tăng cường quốc phòng sửa soạn đương đầu với Hoa Kỳ và các nước đồng minh. Hội nghị Trung ương tháng 11-2013 quyết định thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia do Tập Cận Bình làm chủ tịch. Hội Đồng này bao gồm tất cả các lực lượng vũ trang và tuyên truyền nhằm tham mưu cho đảng Cộng sản sửa soạn chiến tranh.

Một số nguồn tin cho biết Bộ Quốc phòng Trung cộng đang thiết lập một cơ cấu chỉ huy tác chiến tổng hợp sẵn sàng đáp ứng khi có chiến tranh. Họ xây dựng các kho vũ khí công nghệ cao, vũ khí hạt nhân, tầu đổ bộ, ưu tiên cho chiến tranh di động tổng hợp và tác chiến tấn công trên biển và trên không.

Ngày 23-11-2013, Trung Cộng ra thông báo thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông ở khu vực quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Khu vực này thuộc Nhật Bản. Thông báo này ngay lập tức đã bị Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Phi Luật Tân lên tiếng phản đối.

Cùng lúc Trung Cộng đơn phương quy định tàu cá và tàu khảo sát nước ngoài khi đi vào vùng biển do tỉnh Hải Nam quản lý đều phải xin phép. Khu vực này bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa với diện tích lên đến 2 triệu cây số vuông, với nhiều tuyến đường hàng hải, với nguồn hải sản nuôi sống hằng triệu cư dân và một nguồn trữ lượng dầu khí vô cùng to lớn.

Đây là một thách thức cho toàn thế giới vì quy định này đã vi phạm quyền tự do và luật quốc tế về biển. Việt Nam, Phi Luật Tân, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối quy định này. Cũng cần nhắc Phi Luật Tân đã chính thức thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng bằng cách kiện ra tòa án quốc tế.

Hôm nay 16-01-2014, Trung cộng xác nhận đã cho bay thử thành công thiết bị mang hỏa tiễn siêu tốc với đầu đạn hạt nhân có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ hiện thời. Như vậy họ là quốc gia thứ hai chỉ sau Hoa Kỳ đã thử nghiệm thành công loại vũ khí siêu tốc. Trên lý thuyết loại vũ khí này nếu được mang ra sử dụng có thể chỉ mất 45 phút bay từ Bắc Kinh tới thủ đô Washington.

Đồng thời, Hải Quân Trung Cộng không chỉ giới hạn tầm hoạt động trong vòng Biển Đông, càng ngày họ càng gia tăng xuất hiện tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Cách hành xử thô bạo và bành trướng cả quân sự lẫn khu vực chiếm đóng của Trung Cộng đang gây quan tâm đến an ninh và nền hòa bình thế giới.

Chiến lược biển của Hoa Kỳ.

Từ thời lập quốc Hoa Kỳ vẫn chủ trương tự do thương mại và tự do hàng hải. Để bảo vệ quyền lợi và mở rộng tầm ảnh hưởng hàng hải, Hoa Kỳ cho xây dựng một lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới về cả lượng lẫn phẩm.

Khả năng của hải quân Hoa Kỳ hơn khả năng hải quân của tất cả các quốc gia Âu Châu cộng lại và vượt xa khả năng của hải quân Trung Cộng. Hải quân Hoa kỳ không chỉ có khả năng chiến đấu trên biển còn khả năng và nhiều kinh nghiệm tấn công từ biển vào lục địa.

Hoa Kỳ có tất cả 11 hạm đội với hàng không mẫu hạm. Đệ Tam và Đệ Thất hạm đội hoạt động trong khu vực Thái Bình Dương. Đệ Thất hạm đội còn được gọi là hạm đội Thái Bình Dương. Lẽ đương nhiên Hoa Kỳ không thể để Trung Cộng gia tăng vi phạm lợi ích quân sự, kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ tại biển Đông.

Chiến lược quay lại Á Châu

Tháng 2/2009, trong chuyến công du châu Á Ngọai trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nhấn mạnh lợi ích Hoa Kỳ đối với tự do hàng hải và đến việc mọi quốc gia cần tôn trọng luật biển quốc tế. Bà cho biết chính phủ Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với các quốc gia Đông Nam Châu Á để thuyết phục Trung Cộng theo đường lối đa phương và hòa bình trong tranh chấp tại Biển Đông. Như thế các quốc gia trong vùng sẽ tạo được tiếng nói chung đối thoại trong hòa bình với Trung Cộng.

Ngày 24-10-2010 tại Hội nghị Diễn đàn Khu vực Đông Nam Châu Á ở Hà Nội, Ngoại trưởng Hillary Clinton tái xác định quyền lợi Hoa Kỳ tại Biển Đông, phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng và cho biết Hoa Kỳ đã chuẩn bị thúc đẩy các đàm phán đa phương nhằm giải quyết các tranh chấp chủ quyền các quần đảo tại Biển Đông.

Ngày 22-7-2011, tại Hà Nội Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton kêu gọi các bên tranh chấp ở Biển Đông đưa ra chứng cớ pháp lý cho tuyên bố chủ quyền của mình. Bà Clinton cho rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Châu Á phải phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Bà còn cho biết giải quyết tranh chấp bằng đường lối hòa bình là phù hợp với quyền lợi của Hoa Kỳ.

Trong nhiệm kỳ 1 của Tổng Thống Obama, đóng góp lớn nhất Ngoại trưởng Hillary Clinton là chiến lược quay lại Á Châu. Một chiến lược bao gồm cả kinh tế, giáo dục, ngoại giao, chính trị và quân sự.

Sang đến nhiệm kỳ 2, mặc dầu chính phủ Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn trong việc thông qua ngân sách quốc gia, nhưng chiến lược quay lại Á Châu của Ngoại Trưởng Hillary Clinton đã được lưỡng đảng Hoa Kỳ đồng thuận thông qua.

Chính phủ Hoa Kỳ đã cho điều quân khỏi A Phú Hãn và Iraq, dành ưu tiên cho các hoạt động quân sự tại Biển Đông. Họ khuyến khích các quốc gia trong vùng gia nhập Hiệp Định Xuyên Thái Bình Dương (TTP) xây dựng một khu vực kinh tế tự do bao trùm khu vực Thái Bình Dương. Họ cho tăng cường ngoại giao và viện trợ. Và đặc biệt khuyến khích các quốc gia giải quyết các tranh chấp bằng phương cách hòa bình như đàm phán đa phương, qua các diễn đàn quốc tế hay đưa ra tòa án quốc tế phân xử.

Chiến lược của Hoa Kỳ đã và đang bị thách thức bởi các hành động leo thang bạo lực của nhà cầm quyền Bắc Kinh, các hành động dễ dàng dẫn đến chiến tranh.

Bắc Kinh tứ bề thọ địch

Giao thương quốc tế càng phát triển thì tuyến đường hàng hải qua Biển Đông càng trở nên quan trọng cho việc phát triển kinh tế của các quốc gia có bờ biển dọc theo biển Đông. Ngoại trừ Việt Nam và Bắc Hàn, các quốc gia khác đều là các nước đồng minh với Hoa Kỳ. Nhiều quốc gia luôn sát cánh với Hoa Kỳ trong mọi cuộc chiến và đều có những cam kết quân sự với Hoa Kỳ. Việc Trung Cộng gia tăng quân sự trực tiếp đe dọa và gây hấn các quốc gia này chính là trực tiếp đe dọa đến quyền lợi của Hoa Kỳ.

Quan sát phương cách hành xử hiếu chiến của Trung Cộng, thế giới đang nhận ra Trung Cộng là mối đe dọa cho nền hòa bình biển Đông và thế giới. Nhiều quốc gia trên thế giới tìm cách gia tăng khả năng quân sự hay tìm cách liên kết với Hoa Kỳ vừa để bảo vệ chính mình, vừa để cô lập Trung Cộng.

Trung Hoa không phải là một quốc gia thuần nhất. Nó bao gồm nhiều lãnh thổ đang bị chiếm đóng, người dân các quốc gia Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ… đang đứng lên giành lại độc lập. Người dân các sắc tộc khác cũng đang đứng lên đòi hỏi một thể chế tự do, dân chủ và công bằng xã hội. Nhìn chung nhà cầm quyền Bắc Kinh đang tứ bề thọ địch.

Khi nhà cầm quyền Bắc Kinh gặp khó khăn thay vì tìm các giải pháp ôn hòa giải quyết, họ lại trở nên hung tợn hơn, trở nên hiếu chiến hơn và dễ dàng trở thành kẻ khai chiến.

Chiến tranh! Chiến tranh! Chiến tranh!

Khi các giải pháp chính trị, giải pháp ngọai giao bất thành thì giải pháp quân sự ắt sẽ xẩy ra.

Trong một cuộc họp báo ngày 9-1-2014, Phát ngôn Viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jennifer Psaki cho biết: “Việc đưa ra các hạn chế đối với hoạt động ngư nghiệp của các quốc gia khác tại các khu vực tranh chấp của Biển Đông là hành động khiêu khích và có khả năng nguy hiểm… tất cả các bên liên quan cần tránh có các hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng và cản trở khả năng giải quyết các khác biệt thông qua con đường ngoại giao hay bằng các biện pháp hòa bình khác”.

Tính hiếu chiến của Trung cộng đã tăng thêm mức độ nghiêm trọng: khiêu chiến. Giữa tháng 12-2013 một tàu chiến Trung cộng đã tách khỏi nhóm tàu hộ tống hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. Chiếc tàu này cố tình tiến thẳng đến đâm vào tuần dương hạm Hoa Kỳ USS Cowpens (CG-63). Buộc tuần dương hạm Hoa Kỳ phải bẻ lái chuyển hướng nhằm tránh va chạm dễ dàng dẫn đến chiến tranh. Hành động này đã bị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel cho là: “nguy cơ đụng độ hoàn toàn có thể xẩy ra trong vùng Thái Bình Dương.”

Khi Trung Cộng loan báo nới rộng khu vực phòng không trong vùng lãnh hải đang tranh chấp tại biển Hoa Đông, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố: “Thay mặt Tổng Thống Hoa Kỳ, tôi muốn khẳng định rõ ràng rằng chúng tôi không công nhận khu phòng không này. Việc Trung Quốc tuyên bố khu phòng không sẽ không mảy may ảnh hưởng đến các hoạt động của chúng tôi. Chúng tôi cũng nhấn mạnh rõ ràng rằng Hoa Kỳ trông đợi Trung Cộng sẽ không có hành động có thể làm tăng căng thẳng và làm nguy cơ căng thẳng leo thang.”

Trong phiên điều trần về biển Đông hôm thứ ba 14-1-2014, các nghị sỹ và dân biểu đã chính thức lên tiếng Hoa Kỳ nhất định không để yên nếu Trung Cộng sử dụng biện pháp áp đặt bằng sức mạnh để đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông.

Trên là các dấu hiệu gần và rõ nhất chiến tranh sớm muộn sẽ xảy ra. Chiến tranh sẽ không trực tiếp xẩy ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Chiến tranh sẽ giúp Hoa Kỳ xây dựng lại uy tín và giữ vững danh hiệu cường quốc số 1 thế giới. Chiến tranh sẽ giúp Hoa Kỳ bán vũ khí cho các quốc gia trong vùng. Chiến tranh sẽ giúp nhân dân Hoa Kỳ đoàn kết quên đi những khó khăn, những bất đồng nội trị. Nhà cầm quyền Bắc Kinh là chủ nợ của Hoa Kỳ, các khoản nợ này sẽ được khấu trừ vào khoản bồi hoàn chiến phí tương lai.

Bắc Hàn là một quốc gia cộng sản khác. Mới hôm qua thứ Tư 15-1-2014, phát ngôn viên Bắc Hàn cảnh cáo bất kỳ cuộc tập trận quân sự Hoa Kỳ và Nam Hàn có thể sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân gây thiên tai và thảm họa ngoài sức tưởng tượng.

Như vậy chiến tranh trong vùng cũng sẽ là cơ hội để Hoa Kỳ xóa bỏ các thể chế cộng sản cuối cùng. Đây chính là điều quan trọng nhất để Hoa Kỳ thực hiện chiến lược toàn cầu mà họ luôn đeo đuổi: mang tự do dân chủ đến cho mọi người trên khắp thế giới.

Nhìn chung vì lợi ích ngắn hạn và dài hạn Hoa Kỳ sẽ không gây chiến, nhưng sẽ chủ động trong chiến tranh. Thái độ nhường nhịn của Hoa Kỳ hiện này là để được chính danh và được sự ủng hộ của các cường quốc Tây phương.

“Việt Nam không hai lòng với Trung Quốc.”

Trở lại Việt Nam, ngày 17/12/2013 vừa qua, báo chí trong nước loan tin ông Nguyễn Văn Thơ, đại sứ Việt Nam tại Trung Cộng, khi về nước tham dự Hội nghị ngoại giao, đã tuyên bố: “Việt Nam không hai lòng với Trung Quốc.” Một tuyên bố đã nói lên thực trạng Việt Nam.

Gần đây, Hà Nội có 1 số phản ứng với Trung Cộng là vì nguồn dầu thô hằng năm mang về hằng chục tỷ Mỹ Kim đã bị Trung Cộng ngăn chận khai thác. Thiếu ngoại tệ thâu được từ dầu thô là thiếu tiền nuôi dưỡng các bộ máy “Đảng”, bộ máy nhà nước, bộ máy công an,…

Trên thực tế đảng Cộng sản Việt Nam luôn lệ thuộc vào tư tưởng, vào chính trị, vào kinh tế Trung Cộng, bởi thế họ khó có thể thay lòng đổi dạ. Chả thế bà con ta mới có câu: “theo Tàu mất nước, theo Mỹ mất đảng”.

Thật vậy, họ đã công khai cho phép quân đội, công an Tầu lập đồn xây lũy khắp nơi, ngày 20-12-2013, Đài Á Châu Tự Do phải lên tiếng báo động: “…ngay trên hai con đường có tên Hoàng Sa và Trường Sa chạy dọc theo bờ biển Đà Nẵng, các biệt khu của người Tàu cùng với hàng trăm quán sá mang biển hiệu Tàu mọc lên dày đặc.”

Mặc cho Trung Cộng đơn phương ra lệnh cấm đánh cá trên biển Đông, ảnh hưởng đến đời sống của hằng triệu người sống ven biển. Mặc cho hải quân Tầu bắn giết, bắt bớ ngư dân Việt Nam. Nhà cầm quyền cộng sản chỉ lên tiếng cho có, chưa bao giờ có phản ứng để bảo vệ ngư dân. Họ đã để mất nhiều cơ hội Quốc tế hoá Biển Đông và tình trạng Việt Nam mất Biển Đông càng ngày trở nên trầm trọng hơn.

Việt Nam vẫn là một quốc gia cộng sản và vẫn là một mối đe doạ cho nền hoà bình thế giới. Các tài liệu công khai và chính thức của đảng Cộng sản Việt Nam luôn một cách vu vơ coi các quốc gia cổ vũ tự do là các thế lực thù địch và ngược lại Trung Cộng là nước đồng chí anh em.

Khi chưa có một Hiến Pháp Tự Do, một Quốc Hội Độc Lập, chưa có tự do bầu cử, chưa có người cầm quyền chính danh, thì Trung Cộng vẫn đứng trong hậu trường thu xếp lèo lái giới cầm quyền cộng sản Việt Nam, để giới này thực thi chiến lược bành trướng và bá quyền cho Trung Cộng.

Trong tình hình hiện nay nếu chiến tranh xẩy đến đảng Cộng sản sẽ đứng về phía Trung Cộng.  Họ không đứng về phía Hoa Kỳ, đồng minh và dân tộc Việt, vì nếu thế họ sẽ phải thực tâm tôn trọng nhân quyền, thực thi dân chủ và trao trả các quyền tự quyết cho dân tộc. Một chính phủ muốn được sự ủng hộ và trở thành đồng minh với Hoa Kỳ thì chính phủ đó cần chính danh qua các cuộc bầu cử tự do.

Ngược lại, đại đa số dân Việt đang vận động để Việt Nam thoát khỏi kiếp chư hầu Trung Cộng. Giới luật gia trí thức vận động quốc tế hóa Biển Đông. Giới báo chí mang thông tin, tạo quan tâm đến quần chúng đồng bào. Giới quân đội đòi chuyên môn hóa, hiện đại hoá quân đội, để giữ nước, để bảo vệ ngư dân không bị quân đội Trung Cộng áp bức. Giới trí thức, sinh viên thanh niên, xuống đường đòi trả lại Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam.

Phong Trào đấu tranh giữ nước đã liên kết với Phong Trào đấu tranh chính trị đòi tự do dân chủ. Nếu có chiến tranh chính nghĩa dân tộc sẽ là vũ khí sắc bén nhất cho những người đấu tranh vận động toàn dân đứng lên vừa giữ nước, vừa giành lại tự do dân chủ cho dân tộc Việt Nam.

Chiến tranh sẽ kết thúc. Lực lượng đồng minh sẽ chiếm Hoàng Sa và Trường Sa. Và theo luật quốc tế sẽ trao trả cho chính phủ tự do đại diện cho toàn dân.

Không ai muốn chiến tranh. Nhưng rõ ràng chiến tranh vừa là một thách thức vừa là một cơ hội để Việt Nam giành lại lãnh thổ đã bị hai đảng Cộng sản Việt – Tàu sử dụng quân sự chiếm đóng.

Thách thức của các lực lượng đấu tranh dân chủ là làm sao chúng ta có thể thực hiện được cả hai mục tiêu trong điều kiện và tình hình chuyển biến của đất nước và quốc tế.

Muốn thực hiện được cả hai mục tiêu chúng ta phải chủ động liên kết hành động. Năm 2014 là năm của hành động.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

16/1/2014

http://diendanxahoidansu.wordpress.com/2014/01/16/chien-tranh-thu-thach-va-co-hoi-de-lay-lai-hoang

 

One response to this post.

  1. […] Tầm nhìn Hoàng Sa Lê Mai Tháng Một 17, 2014 — Lê Mai http://lemaiblog.wordpress.com/2014/01/17/tam-nhin-hoang-sa/   Bốn mươi năm hải chiến Hoàng Sa   Ngày ấy, phe XHCN mà đứng đầu là “ông anh Cả” Liên Xô ra sức tuyên truyền cho học thuyết “chủ quyền hạn chế”, đặt “chủ nghĩa quốc tế vô sản” rồi “chủ nghĩa quốc tế XHCN” lên trên hết. Người ta hy vọng và mơ ước về một thế giới đại đồng, mọi người được tự do, ấm no, hạnh phúc. “Quan san muôn dặm một nhà. Bốn phương vô sản đều là anh em”.   Thăm Liên Xô, trong một lần hội đàm, Mao hỏi Khơrútsốp: – Chủ nghĩa đế quốc sử dụng vũ khí hạt nhân, liệu chúng ta có thể chờ mà không phản kích ngay? Khơrútsốp: – Một giây cũng không thể chờ, phải lập tức phản kích. Mao: – Làm sao có thể tính toán chuẩn xác, biết lúc nào thì chúng bắn? – Có thể biết được. Khơrútsốp tiếp tục. Bất cứ một nước XHCN nào bị đế quốc tiến công, chúng tôi đều nhanh chóng đánh trả. – Quan điểm đó không đúng. Phải xem người ta có yêu cầu không đã. Mao đáp.   Học thuyết “chủ quyền hạn chế” bị phá sản bởi lợi ích dân tộc và chủ nghĩa sô vanh nước lớn. Có thể thấy, lịch sử xung đột biên giới của TQ với các nước láng giềng làm thế giới kinh ngạc và đầy lo lắng. Với Ấn Độ, tháng 10.1962, quân đội TQ mở cuộc tấn công toàn diện vào biên giới Trung – Ấn, sau khi cho rằng quân đội Ấn Độ phát động cuộc tấn công vào quân biên phòng TQ trước.   Quân đội TQ với ưu thế về binh lực đã ào ạt vượt sông, sau đó chia thành các mũi tiến thẳng vào nơi quân Ấn xâm nhập. Quân Ấn Độ đào hào và xây lô cốt dày đặc, cố thủ với hỏa lực đan chéo mãnh liệt. Các trận đánh diễn ra ở địa hình đồi núi, tác chiến bằng đơn vị bộ binh gọn nhẹ với lựu đạn, súng tiểu liên, bộc phá, có sự yểm trợ của pháo binh.   TQ rêu rao, trong hơn một tuần, quân biên phòng TQ đã quét sạch hơn ba phần tư cứ điểm quân sự của quân Ấn Độ, đẩy lùi quân Ấn Độ về bên kia biên giới.   Tranh chấp với Liên Xô, TQ lại gây ra cuộc chiến tranh trên đảo Trân Bảo. Chỉ có diện tích 0,74 km2, đảo Trân Bảo nằm sát đường trung tâm dòng sông Usuli phân giới Trung – Xô mà TQ cho là thuộc tỉnh Hắc Long Giang TQ. Mao chọn đảo Trân Bảo làm trọng điểm phản kích đánh trả, lập Bộ chỉ huy tiền phương, chỉ thị cho quân biên phòng TQ hành động nhanh, dứt điểm, không kéo dài, sau khi giành thắng lợi thì rút về ngay. Còn nữa, bốn nguyên soái TQ còn chỉnh lý một bản báo cáo trình lên Mao mang cái tên rất kêu: “Từ cánh rừng thế giới xem xét cây Trân Bảo”. Song, TQ đã bị Liên Xô dạy cho một bài học về tranh chấp chủ quyền. Quan hệ Trung – Xô tiếp tục căng thẳng.   Các nước có chung biên giới với TQ như Mông Cổ, Lào, Miến Điện…đều có vấn đề với TQ. Xem ra, việc tranh chấp chủ quyền của các nước “XHCN anh em” không phải là chuyện hiếm.   Đặc biệt là TQ – một nước đất rộng, người đông nhưng thèm của người khác từng tấc đất. Không hiếm khi họ tạo ra những cái bẫy. Tuyên bố ngày 4.9.1958 về hải phận 12 hải lý của TQ là một cái bẫy, trong hoàn cảnh quốc tế ấy, ý thức hệ ấy buộc VNDCCH phải “ghi nhận và tán thành” và điều đó đã gây ra không ít sự phiền toái sau này cho VN.   Mặc dù tình hình phức tạp như vậy, đối với nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa (Việt Nam Cộng hòa), vấn đề chủ quyền quốc gia – bao gồm đất liền, vùng biển, vùng trời, hải đảo, đặc biệt là các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được thể hiện với một tầm nhìn mà ta phải công nhận là hết sức xa rộng.   Có người nói, vậy tuyên bố nổi tiếng: “Biên giới của Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17” của Tổng thống nền Đệ nhất Cộng hòa nên hiểu như thế nào? Và trên thực tế, có phải biên giới Hoa Kỳ thực sự kéo dài đến vĩ tuyến 17 hay không? Dĩ nhiên là không. Không có gì khó khăn để thấy rằng, đó là lời tuyên bố trong một cuộc chiến ý thức hệ, nói lên sự hiện diện của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ “thế giới tự do”. Lịch sử cho thấy Hoa Kỳ chưa hề chiếm đất của ai bao giờ. Cái mà Hoa Kỳ làm trên thế giới, đó là tạo ra thế và lực cho mình.   Các kiểu xâm lấn đất của TQ thì quá đa dạng và lắm thủ đoạn. Dời cột mốc là một thủ đoạn quen thuộc và đơn giản mà họ thường làm. Từ xâm canh xâm cư đến chiếm đất là một khoảnh cách gần. Họ lợi dụng xây dựng các công trình hữu nghị, đẩy lùi biên giới sâu vào lãnh thổ VN. Lợi dụng việc VN nhờ vẽ bản đồ, họ sửa đường biên giới lấn vào đất VN.   TQ không ngần ngại gây nên xung đột vũ trang để chiếm đất mà đỉnh cao là việc đánh chiếm Hoàng Sa của VNCH năm 1974.   Bấy giờ, hai miền Nam Bắc chưa thống nhất, dù Hiệp định Paris đã ký kết gần một năm. Người Mỹ đã ra đi – hơn thế nữa, họ còn thỏa thuận bí mật với TQ trên lưng đồng minh của họ, bỏ mặc Hoàng Sa cho TQ xâm chiếm. Dù sao, bảo vệ Hoàng Sa là chính sách nhất quán của VNCH, không những được thể hiện bằng lời nói mà chủ yếu – bằng nhiều hành động trên thực tế.   Ngày 26.5.1956, Chính phủ VNCH chính thức tuyên bố quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa (mà TQ gọi là Tây Sa và Nam Sa) thuộc lãnh thổ Nam Việt Nam và thông qua bộ máy truyền thông của mình, loan tin ra cả thế giới.   Cho dù ngay lập tức TQ ra tuyên bố nói rằng “quyết không cho phép xâm phạm chủ quyền của TQ đối với quần đảo Tây Sa và các đảo khác thuộc về TQ, yêu cầu VNCH phải đình chỉ ngay mọi hoạt động khiêu khích”, VNCH vẫn tiếp tục tiến hành trinh sát, đưa quân đánh chiếm một số đảo trong quần đảo Hoàng Sa. Tiếp đó, quân đội VNCH bắt tay vào việc đào chiến hào, xây dựng lô cốt, dựng cột mốc chủ quyền, ghi rõ những đảo này thuộc lãnh thổ Nam VN. Phải công nhận, đó thực sự là tầm nhìn xa rộng – tầm nhìn Hoàng Sa.   Ngày 13.7.1961, Tổng thống VNCH ra sắc lệnh số 174, trong đó ấn định: “Quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam. Một đơn vị hành chánh xã bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy danh hiệu là xã Định Hải trực thuộc quận Hòa Vang. Xã Định Hải đặt dưới quyền một phái viên hành chánh”. Trong 18 năm, từ 1956 đến 1973, VNCH đã tiếp tục thực hành chủ quyền trên 6 đảo đá của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 9.1973, VNCH lại tuyên bố sẽ đưa hơn 10 đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa vào địa phận quản lý của tỉnh Phước Tuy.   Giữa tháng 1.1974, 4 tầu chiến VNCH, trong đó có khu trục hạm “Trần Khánh Dư”, tuần dương hạm “Trần Bình Trọng”, “Lý Thường Kiệt” và hộ tống hạm “Nhật Tảo” tiến vào vùng biển Hoàng Sa. TQ đã giương bẫy chờ sẵn, cộng với so sánh lực lượng hoàn toàn có lợi cho TQ, trận hải chiến Hoàng Sa kết thúc với việc từ đây TQ đã ăn cướp toàn bộ Hoàng Sa.   Tầm nhìn Hoàng Sa của VNCH không những thể hiện bằng các tuyên bố, sắc lệnh, Nghị định mà còn bằng việc chiếm hữu trên thực tế, thực hiện quyền chủ quyền của mình tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách liên tục, công khai, hòa bình.   Chấp nhận giao chiến với TQ cho dù so sánh lực lượng không có lợi, dù bối cảnh quốc tế phức tạp đan xen bởi mưu đồ của các nước lớn, tầm nhìn Hoàng Sa của VNCH vẫn sáng ngời, là tiếng nói của chúng ta cất cao trước thế giới: chủ quyền của VN là bất khả xâm phạm, không một ai có thể thủ đắc bằng vũ lực.   Tầm nhìn Hoàng Sa, sau 40 năm, dường như đã làm người Việt trên toàn thế giới xích lại gần nhau hơn, mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn trong việc giành lại quần đảo thiêng liêng của chúng ta.   Tầm nhìn Hoàng Sa, sau 40 năm, càng khẳng định một chân lý: kẻ thù không ở đâu xa, nó luôn ở sát nách chúng ta và chỉ có sự quyết tâm, lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết, trí thông minh của cả dân tộc mới có thể đưa Hoàng Sa trở về trong lòng Tổ quốc.   L. M.   […]

    Reply

Leave a comment